Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của tôi sẽ hết hạn vào ngày 31.5.2022. Trong thời gian chờ việc tôi tự gia hạn BHYT (đóng tiền 1 năm) theo diện gia đình, nếu sau này công ty ký hợp đồng chính thức và đóng bảo hiểm cho tôi thì BHYT của tôi tự đóng có bị hủy không? Tôi nghe nói nếu mình tự đóng BHYT nhưng sau đó công ty cũng đóng cho mình thì thẻ tự đóng của mình sẽ bị vô hiệu và không sử dụng được nữa. Trường hợp thẻ của tôi thì phải đóng tiền trước 31.8.2022 thì mới tính là liên tục 5 năm đúng không?
Trả lời:
- Về vấn đề tham gia BHYT 5 năm liên tục: Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146 năm 2018 của Chính phủ quy định: “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước. Người tham gia BHYT 5 năm liên tục là người có thời gian tham gia BHYT gián đoạn không quá 3 tháng”.
Theo nội dung câu hỏi thì thẻ BHYT của bạn có giá trị đến hết tháng 5.2022, để tránh trường hợp bị gián đoạn BHYT đình bạn chỉ cần tới đại lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT UBND xã phường nơi cư trú hoặc bưu điện, thông báo số BHXH (cung cấp mã thẻ BHYT cũ), nộp tiền tham gia BHYT hộ gia đình.
- Về vấn đề vừa tham gia BHYT hộ gia đình vừa tham gia BHXH bắt buộc: Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 ngày 13.6.2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này.
Đối chiếu quy định trên, khi bạn đi làm tại công ty sẽ tham gia BHYT theo nhóm 1 (do người lao động và người sử dụng lao động đóng) và thẻ BHYT theo nhóm 5 (nhóm hộ gia đình) được cấp trước đó sẽ được báo giảm và cơ quan BHXH sẽ hoàn trả tiền đóng BHYT cho bạn.
Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giải quyết hoàn trả theo quy định.
Hỏi: Tôi có tham gia BHYT doanh nghiệp và được ghi nhận thời gian 5 năm liên tục. Tuy nhiên vào tháng 6.2022, tôi có ý định dừng đóng BHXH doanh nghiệp do công ty không có việc. Khi đó BHYT hộ gia đình của gia đình tôi tới tháng 7.2022 mới hết hạn. Nay tôi đã nghỉ việc ở công ty, BHYT của tôi sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 này, tôi muốn chuyển về BHYT hộ gia đình có được không? Làm thế nào để tôi có thể mua được BHYT cho cá nhân tôi (vì cả nhà tôi tới tháng 7 mới mua nối tiếp BHYT) mà vẫn giữ được thời gian 5 năm liên tục và giữ nguyên được nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Quân đội 108?
Trả lời:
- Về vấn đề tham gia đồng thời BHXH bắt buộc và BHYT hộ gia đình: Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 ngày 13.6.2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của luật này.
Đối chiếu quy định trên, khi bạn đi làm tại công ty sẽ tham gia BHYT theo nhóm 1 (do người lao động và người sử dụng lao động đóng) và thẻ BHYT theo nhóm 5 (nhóm hộ gia đình) được cấp trước đó sẽ được báo giảm và cơ quan BHXH sẽ hoàn trả tiền đóng BHYT cho bạn.
Đề nghị bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giải quyết hoàn trả theo quy định.
- Về vấn đề giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình: Căn cứ Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình:
1. Người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ những người thuộc đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 nghị định này.
2. Người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 nghị định này và đối tượng đã tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 1 điều này.
Mức đóng mỗi tháng được quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7 Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ như sau:
“Mức đóng BHYT của đối tượng quy định tại Điều 5 nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Việc giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm này được thực hiện khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính”.