Tương lai trở thành "gã khổng lồ" của Open AI: Là công ty "đốt tiền" nhiều nhất Thung lũng Silicon, có nhân viên lọt top 50 thiên tài công nghệ thế giới
(QNO) - Open AI khiến rất nhiều 'lão làng' phải dè chừng!
Trong cuộc cạnh tranh thống trị tương lai của trí tuệ nhân tạo, Open AI, công ty khởi nghiệp được Microsoft hậu thuẫn, đã sớm giành được vị trí dẫn đầu khi ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sau đó tiếp cận được 100 triệu người dùng - nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào và điều này khiến Google và công ty mẹ Alphabet vội gấp rút tung ra chatbot đối thủ Bard.
Theo The Economist, các nhà đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 40 tỷ USD vào các công ty AI trong nửa đầu năm 2023, song ‘cơn sốt’ đang dần dịu lại. Dữ liệu từ Google cho thấy mối bận tâm với AI đã đạt đỉnh từ vài tháng trước. Số lượt truy cập hàng tháng vào trang web của ChatGPT cũng giảm từ 210 triệu trong tháng 5 xuống chỉ còn 180 triệu.
Dẫu vậy, Open AI, với GPT-4, vẫn đang đánh bại rất nhiều các mô hình khác và gần như vượt xa chatbot đứng thứ hai hiện tại là Claude 2 của Anthropic. Quan trọng hơn, Open AI đã bắt đầu hành trình tạo ra doanh thu, cụ thể là 1 tỷ USD/năm so với mức 28 triệu USD khiêm tốn hồi ChatGPT chưa ra mắt.
Bản chất Open AI là một công ty tò mò, được thành lập vào năm 2015 bởi một nhóm các doanh nhân bao gồm Sam Altman và Elon Musk - CEO Tesla với tư cách một liên doanh phi lợi nhuận. Mục đích cuối cùng là xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng quát ngang bằng hoặc vượt xa năng lực của con người trong tất cả các loại tác vụ.
Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Google xuất bản một bài báo nói về một cuộc cách mạng mà họ đặt tên là “transformer”. Open AI khi đó nhận ra mình có thể mở rộng quy mô bằng cách kết hợp số lượng dữ liệu thu thập từ Internet với khả năng xử lý nhanh chóng. Kết quả, general-purpose transformer (gọi tắt là GPT) ra đời.
Ngoại trừ Musk - người đã rút lui vào năm 2018 và hiện đang xây dựng mô hình AI của riêng mình, hầu hết các nhà đầu tư đời đầu đều tự tin thu về lợi nhuận nếu công ty tiếp tục phát triển. SoftBank, tập đoàn đầu tư công nghệ đến từ Nhật Bản, là cái tên mới nhất đang tìm cách đặt cược vào Open AI.
Được biết, startup này đến nay đã huy động được tổng cộng khoảng 14 tỷ USD, trong đó, khoảng 13 tỷ USD đến từ Microsoft. Đổi lại, gã khổng lồ phần mềm sẽ nhận được phần lớn lợi nhuận và được quyền bán công nghệ Open AI cho khách hàng doanh nghiệp.
Điểm sáng lớn nhất là Open AI đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư phục vụ quá trình phát triển mô hình dữ liệu. Altman cho biết công ty mình có thể sẽ trở thành “startup sử dụng nhiều vốn nhất lịch sử Thung lũng Silicon” bởi mô hình gần đây nhất là GPT-4 ước tính tiêu tốn khoảng 100 triệu USD - gấp nhiều lần so với GPT-3. Bài toán chi phí chính là lý do vì sao Open AI chưa đào tạo mô hình GPT-5 tiếp theo mà chỉ xây dựng GPT-4.5 - chatbot có “chất lượng tương tự” GPT-4 nhưng không tiêu tốn nhiều chi phí bằng.
Các mô hình của Open AI được đào tạo trên lượng dữ liệu khổng lồ và có khả năng thực hiện nhiều tác vụ khác nhau. Cơn sốt ChatGPT đã biến đây trở thành lựa chọn mặc định cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các doanh nghiệp mong muốn nắm bắt cuộc đua tỷ USD.
Không chỉ dừng lại ở ChatGPT, Open AI dần trở thành một nền tảng có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ dành riêng cho từng đối tượng khách hàng. Bản thân công ty cũng đầu tư 175 triệu USD vào các startup AI nhỏ hơn để vừa quảng bá các mô hình của mình, vừa thu về lợi nhuận.
Vị thế người tiên phong chắc chắn có lợi cho Open AI. Quá trình đào tạo mô hình đòi hỏi rất nhiều bí quyết kỹ thuật, từ nhận dạng dữ liệu chất lượng cao đến thủ thuật xử lý mã nguồn. Altman ước tính chưa đến 50 người trên thế giới đạt đến trình độ này song may mắn, nhiều nhân tài trong số họ đang làm việc tại Open AI.
Lợi thế là vậy, song cơn sốt mà Open AI tạo ra vô hình chung đẩy chính công ty vào cuộc đua căng thẳng. Được biết, Google, Microsoft và rất nhiều những gã khổng lồ công nghệ khác đã gấp rút tung ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của riêng mình mà theo lời Henry Ajder, chuyên gia về AI, “một môi trường chạy đua siêu cấp” đang được thiết lập.
Ngoài Google và Meta, Elon Musk cũng đang rất lạc quan xây dựng chatbot đối thủ xAI. Điều này có thể tác động lớn tới sự đi lên của ChatGPT.
Dĩ nhiên, ngoài những yếu tố ngoại cảnh, Open AI cũng có những khó khăn riêng. Cụ thể, trong nỗ lực trở thành người đi đầu làn sóng AI tổng hợp thông qua chatbot ChatGPT, công ty đã tự đặt mình vào tình huống có thể phá sản.
Theo Fortune, OpenAI đang tốn khoảng 700.000 USD/ngày để chỉ vận hành một trong các dịch vụ AI của mình là ChatGPT. Đây được xem như một cách để Sam Altman đốt tiền, bất chấp việc OpenAI không tạo đủ doanh thu để hòa vốn. Vào tháng 5, khoản lỗ của công ty này đã tăng gấp đôi lên 540 triệu USD kể từ khi bắt đầu phát triển ChatGPT.
Ngoài ra, thiếu hụt GPU cũng là một trong những yếu tố đẩy OpenAI vào ngõ cụt. Altman đã nói rằng tình trạng này khiến công ty không thể đào tạo thêm các mẫu GPT và cải tiến chúng.