Điểm khác nhau của thẻ thu phí tự động VETC và ePass
(QNO) - VETC và ePass là hai đơn vị cùng cung cấp dịch vụ thu phí tự động, tuy nhiên vẫn có đôi chút khác biệt về hình thức nạp tiền.
Hiện tại, ở Việt Nam có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí tự động là VETC và VDTC (ePass). Tất cả trạm thu phí tự động trên toàn quốc đều liên kết với 2 công ty này nên khách hàng có thể chủ động lựa chọn công ty dán thẻ theo ý muốn.
Dù giống nhau về dịch vụ cung cấp, VETC và ePass vẫn có những điểm khác biệt. Người dùng nên nắm rõ những thông tin này để cân nhắc lựa chọn công ty hợp lý.
VETC - nạp tiền thủ công, chưa ghi nhận sự cố
Công ty TNHH Thu phí tự động VETC triển khai thu phí tự động từ năm 2015. Hiện có khoảng 80 trạm thu phí sử dụng dịch vụ của công ty này, chủ yếu tập trung ở QL1 và các tuyến cao tốc.
Giấy tờ cần thiết để đăng ký dịch vụ của VETC và ePass giống nhau. Khách hàng cần chuẩn bị CMND/CCCD, cà-vẹt xe và giấy đăng kiểm. Đối với xe trả góp, chủ xe cần mang theo giấy xác nhận của ngân hàng về thông tin đăng ký xe.
VETC vẫn đang triển khai dán thẻ miễn phí lần đầu tiên, nếu phương tiện dán lại từ lần thứ 2 sẽ tốn phí 120.000 đồng/lần.
Địa điểm đăng ký dán VETC là ở trung tâm đăng kiểm và trạm thu phí. Chủ xe có thể đăng ký thẻ định danh online, đợi 3-4 ngày để nhận thẻ và tự dán vào phương tiện.
VETC cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản thông qua hình thức chuyển khoản (miễn phí) hoặc các cổng thanh toán (có phí từ 1% trở lên).
Nhược điểm là chưa có tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, điều này yêu cầu người dùng nạp tiền trước vào tài khoản.
Người sử dụng VETC cần tạo thói quen nạp tiền vào tài khoản trước mỗi hành trình để không bị rơi vào tình huống hết tiền khi qua trạm.
Lợi thế của VETC so với ePass là hiện vẫn chưa ghi nhận các sự cố liên quan đến hệ thống.
ePass - có liên kết ví điện tử
ePass là hệ thống thu phí tự động của Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam - thành viên của Viettel. Hệ thống này được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2020, khá mới mẻ so với VETC.
VDTC triển khai dán ePass tại các địa điểm như Viettel Post, Viettel Pay, trạm thu phí và trung tâm đăng kiểm.
Hiện tại, ePass đã không còn triển khai dịch vụ dán miễn phí lần đầu tiên. Khách hàng đăng ký mới cần chi 120.000 đồng để dán thẻ định danh lên xe.
Ngoài hình thức nạp tiền thông qua các cổng thanh toán (có phí) hay qua ứng dụng ngân hàng hoặc chuyển khoản (miễn phí), ePass có tính năng liên kết ví điện tử (Viettel Money).
Liên kết với ví điện tử cho phép người dùng không cần duy trì số dư tài khoản trong ePass như VETC. Tính năng này giúp hạn chế tình trạng chủ xe bị xử phạt do quên nạp tiền vào tài khoản ePass.
Tất nhiên người dùng vẫn cần nạp tiền và duy trì số dư của Viettel Money. Trong trường hợp Viettel Money hết tiền, người dùng cần thực hiện thao tác xác nhận giao dịch thanh toán giữa Viettel Money và ePass trên điện thoại khi qua trạm ETC.
Đã ghi nhận sự cố
Tuy nhiên trong một vài trường hợp cổng thanh toán gặp sự cố, chủ xe có thể gặp rắc rối khi qua trạm do dòng tiền không được chuyển về hệ thống ePass để thanh toán.
Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, người dùng dịch vụ ePass gặp không ít sự cố trong quá trình sử dụng. Đầu năm nay, hàng trăm xe dán ePass gặp lỗi không qua được trạm thu phí trên 2 tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng. Sau khi điều tra, sự cố này xảy ra do lỗi của Công ty VETC.
Ngoài sự cố trên, không ít người dùng phản ánh xe dán ePass qua trạm thu phí vẫn phải dừng lại do thanh chắn không tự động mở, nhân viên trực tại trạm phải chủ động mở thanh chắn.