Năm 2022 sẽ là năm bước ngoặt của xe điện

An Trương 25/02/2022 16:57

(QNO) - Số lượng ô tô điện bán ra trong cả năm 2012 chỉ bằng số lượng bán trong 1 tuần của năm 2021, thống kê từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Trong khi thị trường xe ô tô chạy bằng xăng và dầu bị suy giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế COVID-19, nhu cầu về xe điện vẫn tiếp tục tăng. Theo New Statesman, chi phí pin giảm nhanh chóng, chế độ thuế ưu đãi và mong muốn thay đổi của người tiêu dùng đã góp phần tạo nên xu hướng này.

Chặng đường phía trước của xe điện có thể còn một số khó khăn tiềm ẩn. Ảnh: ey.com
Chặng đường phía trước của xe điện có thể còn một số khó khăn tiềm ẩn. Ảnh: ey.com

Tăng gấp đôi doanh số

Năm 2020, trong khi nhu cầu ô tô thông thường giảm xuống, doanh số ô tô điện đã tăng lên 3 triệu chiếc, chiếm 4,1% thị trường thế giới. Động lực thị trường vẫn tiếp tục cho đến năm 2021 với doanh số bán xe điện tăng hơn gấp đôi lên 6,6 triệu chiếc.

Vào năm 2021, có đến 130.000 chiếc ô tô điện đã được bán một tuần, con số tương đương với lượng xe được bán trong cả năm 2012. Trong khi đó, 3,4 triệu ô tô điện bán ra ở Trung Quốc vào năm 2021 nhiều hơn số lượng được bán trên toàn thế giới vào năm 2020. Tổng số 16 triệu chiếc ô tô điện đang chạy trên đường tiêu thụ nhiều điện hơn cả lượng điện mà đất nước Ireland cần trong một năm.

Theo phân tích của New Statesman, với tăng trưởng theo cấp số nhân, thị phần xe điện có thể vượt quá 25% vào năm 2025. Đó là mức thị phần mà IEA nói rằng phải đạt được để thế giới đi đúng hướng về mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Khoảng 15,5% ô tô bán ra ở Trung Quốc năm 2021 là xe điện, trong khi ở Anh, con số này là 45,5%. Ở Na Uy, quốc gia từ lâu đã dẫn đầu về phương tiện di chuyển bằng điện, con số này là 93%. Tại Trung Quốc, thị trường xe điện phát triển nhanh nhất thế giới, doanh số bán hàng tăng gấp đôi trong mỗi tháng của năm 2021 so với một năm trước đó.

Châu Âu có mức tăng trưởng thị trường 70%, bán được 2,3 triệu xe chạy hoàn toàn bằng điện và hybrid vào năm 2021, trong khi doanh số của Mỹ tăng hơn gấp đôi lên hơn nửa triệu xe. Trong khi đó, Đông Nam Á cũng được xem là nơi tiêu thụ lẫn sản xuất xe điện đầy tiềm năng trong thập kỷ tới.

Nhiều thách thức đang chờ

Những thống kê trên có vẻ khả quan đối với sự tăng trưởng liên tục của thị trường xe điện, nhưng chặng đường phía trước của xe điện có thể còn một số khó khăn tiềm ẩn.

Các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với những thách thức từ phía nguồn cung cấp, bao gồm cả việc tăng chi phí nguyên vật liệu. Giá thép đã tăng gấp đôi vào năm 2021, trong đó giá nhôm tăng vọt lên tới 70% và giá đồng tăng hơn một phần ba.

Trong khi những chi phí nguyên liệu này ảnh hưởng đến cả sản xuất xe điện và xe thông thường, thì riêng xe điện cũng phải đối mặt với những thách thức cụ thể về giá liên quan đến sản xuất pin, bao gồm mức tăng hàng năm đối với các vật liệu thiết yếu như lithium carbon (tăng 150%), than chì (tăng 15%) và niken (tăng 25%). Và mặc dù có thể có độ trễ trước khi giá nguyên vật liệu tăng cao gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng xu hướng này là một nguyên nhân đáng lo ngại khi nói đến tăng trưởng thị trường.

Một thách thức khác mà ngành công nghiệp xe điện phải đối mặt là tình trạng thiếu vi mạch trên toàn cầu, khiến việc sản xuất ô tô và các sản phẩm khác bị chậm lại và đôi khi phải tạm dừng. Sự thiếu hụt này đặc biệt ảnh hưởng đến xe điện, vì chúng cần nhiều vi mạch gấp 2,3 lần so với ô tô có động cơ đốt trong.

Cùng với những khó khăn của các nhà sản xuất xe điện, các khoáng sản quan trọng có nhu cầu như lithium và coban có thể bị thiếu hụt vào đầu năm 2025 trừ khi đầu tư mới đáng kể được chuyển sang mở rộng năng lực sản xuất, IEA cho biết.

Giành được niềm tin của người tiêu dùng là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng xe điện trên toàn thế giới. Thách thức hiện nay đối với các nhà sản xuất ô tô và các nhà hoạch định chính sách sẽ đòi hỏi năng lực giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung đang tồn tại.

An Trương