Mẹo hay để người bệnh tiểu đường ăn cơm không lo tăng đường huyết
(QNO) - Tiến sĩ V Mohan, bác sĩ làm việc tại Trung tâm chuyên khoa bệnh tiểu đường Dr Mohan's Diabetes Specialities Centre (Ấn Độ), cho biết đối với người bệnh tiểu đường, lý tưởng nhất là chọn tinh bột kháng cho bữa ăn của mình.
Ông Mohan cho hay nhiều bệnh nhân tiểu đường hỏi liệu họ có thể ăn một số loại tinh bột (carbs) mà họ thích không và liệu có loại carbs nào phù hợp với họ hay không.
Tinh bột kháng là loại carbs có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa ở ruột non, khiến quá trình hấp thụ vào máu lâu hơn. Nhờ đặc tính độc đáo này mà tinh bột kháng trở thành lựa chọn lý tưởng cho người bệnh tiểu đường vì nó có tác động tối thiểu đến mức đường huyết.
Thay vì được tiêu hóa như các loại carbs khác, tinh bột kháng sẽ di chuyển đến ruột già để lên men làm thức ăn cho lợi khuẩn đường ruột, giúp cải thiện độ nhạy insulin.
Sau đây, bác sĩ Mohan chia sẻ các loại tinh bột kháng tốt cho người tiểu đường và mẹo hay để biến cơm thành tinh bột kháng nếu bạn chỉ thích ăn cơm.
Nguồn tinh bột kháng tốt cho người bệnh tiểu đường
Các loại đậu: Không chỉ giàu chất xơ, chúng còn có chỉ số đường huyết thấp nên rất lý tưởng để kiểm soát đường huyết.
Chuối xanh: Loại chuối này chứa lượng tinh bột kháng cao hơn so với chuối chín.
Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch và hạt Quinoa cũng là nguồn cung cấp tinh bột kháng tốt. Thay vì ngũ cốc tinh chế, hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt để có nhiều chất dinh dưỡng hơn và giúp điều chỉnh mức đường huyết.
Các loại hạt: Các loại hạt như hạt chia và hạt lanh cũng là nguồn tinh bột kháng và cả axit béo omega-3 và chất xơ.
Mẹo biến cơm thành tinh bột kháng
Bác sĩ Mohan tiết lộ, sau khi nấu cơm hoặc các thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, hãy để nguội trước khi ăn. Điều này làm tăng sự hình thành tinh bột kháng bằng cách chuyển đổi tinh bột dễ tiêu thành tinh bột kháng. Quá trình làm nguội này làm thay đổi cấu trúc của tinh bột, từ đó giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, theo Indian Express.
Điều quan trọng là phải thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu trong ngày, đặc biệt là khi đưa thực phẩm mới vào chế độ ăn uống.
Hãy bắt đầu với những phần nhỏ và tăng dần theo thời gian. Điều này sẽ cho phép cơ thể thích nghi và ngăn chặn đường huyết tăng đột ngột.
Kết hợp thực phẩm giàu tinh bột kháng với nguồn protein nạc hoặc chất béo lành mạnh. Ví dụ như món gà nấu đậu.
Ngay cả đối với tinh bột kháng, vẫn nên chia đều vào nhiều bữa chính và bữa ăn nhẹ trong ngày.