Phòng ngừa sỏi thận với vị thuốc quý từ quả chanh
(QNO) - Chanh là một vị thuốc quý, một số cách áp dụng từ quả chanh phòng ngừa sỏi thận, từ dịch quả, vỏ, hạt và lá đều có thể vừa làm thức ăn vừa làm thuốc chữa bệnh.
Chanh ở nước ta được trồng nhiều giống khác nhau. Mỗi giống có thời vụ thu hoạch riêng. Có giống chanh ra quả quanh năm.
- Công dụng:
+ Lá chanh vị cay ngọt, tính ôn; có tác dụng chỉ khái, hóa đàm, lý khí, khai vị; làm gia vị ăn với thịt gà, ốc luộc… rất ngon; làm thuốc chữa cảm cúm, chữa ho.
+ Quả chanh vị chua ngọt, tính bình; có tác dụng sinh tân, chỉ khái, hóa đàm, khư thử (chống say nắng). Dịch chanh tươi để tăng hương vị nhiều món ăn như phở, bún, mắm tôm, nộm, nước chấm, nước rau muống luộc… Thức uống giải khát tốt nhất là nước chanh pha đường hoặc mật ong.
Dùng toàn bộ quả chanh (cả vỏ, dịch và hạt) chống tích tụ sỏi thận (sỏi vô cơ), hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư (chanh chỉ hủy hoại tế bào ung thư, không ảnh hưởng đến tế bào lành).
Chữa ho: Cắt quả chanh thành miếng nhỏ thêm vài hạt muối, ngậm và nuốt nước.
Chữa trẻ em sốt cao co giật: Vắt nước quả chanh cho uống liên tục. Lấy vỏ chanh xoa lồng ngực và khuỷ tay, kheo chân.
Chống say nắng: Để người bệnh nằm nơi mát, thoáng, cho uống dần từng ngụm nước chanh pha đường hoặc mật ong.
Cách dùng chanh phòng ngừa sỏi thận
Sỏi thận có 2 loại là sỏi vô cơ và sỏi hữu cơ:
- Sỏi vô cơ: Còn gọi là sỏi canxi có các gốc oxalat, phốt phat, cacbonat. Sỏi canxi oxalat là loại sỏi gai đâm vào tổ chức của thận làm cho người bệnh đau khi hoạt động, có khi đau quằn quại không chịu nổi và đái ra máu. Các loại khác là sỏi tròn ít khi gây đau. Sỏi canxi chiếm 85% đến 90% tổng số sỏi thận.
Người bị sỏi thận vô cơ nếu tán sỏi ngoài cơ thể hay mổ lấy hết sỏi rồi, sau đó 5 năm rất dễ phải mổ lấy sỏi lại. Do cơ địa những người này thường xuyên bị tích tụ sỏi. Muốn chống tích tụ sỏi canxi thì phải citrat hóa nước tiểu. Chanh là quả có nhiều acid citric nhất, ngoài ra còn nhiều chất bổ dưỡng khác trong vỏ, dịch, hạt. Vì vậy quả chanh là thứ thuốc gắn chặt với người sỏi thận vô cơ.
- Sỏi hữu cơ: Chiếm 10 - 15% tổng số sỏi thận, có 4 loại là: Sỏi phosphat (Magnesium Amonium Phosphat) do nhiễm trùng tiết niệu lâu ngày gây ra (vi khuẩn Proteus); sỏi acid uric do dùng nhiều thức ăn chứa purin, bệnh nhân gout, bệnh nhân hóa trị ung thư; sỏi cystin hiếm gặp; sỏi struvit còn gọi là sỏi nhiễm trùng đường tiểu lâu dài mà không điều trị triệt để (thường thấy ở phụ nữ). Chanh không có tác dụng chống sỏi hữu cơ.
Cách dùng chanh phòng ngừa sỏi thận vô cơ:
- Cách làm như sau: Cắt nhỏ quả chanh, cho chanh và mật ong vào máy xay sinh tố, vặn đến mức lớn nhất, xay trong khoảng 150 giây. Sau đó cho vào lọ có nắp bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Cách dùng: Lấy khoảng 30g - 50g chanh xay nhuyễn cho vào cốc, rồi rót 50ml nước nóng 70 độ C vào khuấy đều rồi uống ngay (trước khi uống chanh nên ăn nhẹ khoảng 200g để tránh bụng rỗng).
Ngày uống 2 lần vào 10 giờ và 16 giờ. Sau khi uống phải súc miệng thật sạch để tránh hại răng. Dùng liên tục không nghỉ ngày nào.
Đồng thời, người có cơ địa tạo sỏi phải thường xuyên uống đủ nước từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày; tăng cường vận động cơ thể; ăn đủ lượng canxi, ăn các loại quả cam, quýt, bưởi… Hạn chế ăn protein động vật, muối ăn, nước ngọt có ga.
Kiêng kỵ: Không dùng dịch chanh khi bụng đói, khi tiêu chảy do ăn uống, người bệnh đau dạ dày nặng.