6 sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ khiến bệnh lâu khỏi
(QNO) – Đau mắt đỏ là bệnh khá lành tính. Nếu điều trị và chăm sóc kịp thời, đúng cách, bệnh khỏi trong vòng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những sai lầm trong điều trị đau mắt đỏ khiến bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa…
Dưới đây là một số sai lầm thường gặp:
1. Không cần thiết phải chữa đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ được coi là bệnh lành tính nên nhiều người cho rằng khi đau mắt đỏ không cần thiết phải điều trị, bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn sai lầm. Đối với một số trường hợp nhẹ, mặc dù bệnh có thể tự khỏi nhưng nếu được chăm sóc, vệ sinh, điều trị đúng... sẽ giúp giảm triệu chứng khó chịu cho người bệnh, đồng thời có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh. Với những ca bệnh nặng, nếu không được can thiệp sớm, đúng cách thì có thể gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh: Viêm giác mạc, sẹo kết mạc…
Do đó, khi có các dấu hiệu của đau mắt đỏ, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn và đưa ra phác đồ điều trị, cách chăm sóc thích hợp.
2. Tự mua và dùng thuốc đau mắt đỏ khi chưa có chỉ định
Nhiều người khi bị đau mắt đỏ do quá sốt ruột muốn nhanh khỏi các triệu chứng gây khó chịu (ngứa, chảy nước mắt, gỉ mắt...) nên đã tự ý dùng thuốc kê đơn khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đây là sai lầm nhiều người mắc phải khi chữa đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào nguyên nhân, giai đoạn bệnh lại có cách điều trị khác nhau. Không những thế việc dùng thuốc nhỏ mắt không đúng có thể khiến bệnh không những không khỏi mà còn kéo dài thời gian bệnh, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Do đó, chỉ dùng thuốc đau mắt đó sau khi đã được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Ngoài ra, tuyệt đối không được dùng đơn thuốc của người khác, bởi mỗi người có thể trạng, tình trạng bệnh khác nhau và cách điều trị cũng khác nhau.
3. Cho rằng đau mắt là phải dùng kháng sinh
Đối với một số người cho rằng kháng sinh là thuốc trị bách bệnh. Do đó, cứ đau họng, sốt, ho… là dùng kháng sinh. Đau mắt đỏ cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Bởi đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân, do vi khuẩn, virus, dị ứng. Kháng sinh chỉ có tác dụng khi có nguyên nhân do vi khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh cho bất kỳ tình trạng đau mắt đỏ nào không do vi khuẩn đều không có tác dụng điều trị bệnh, vừa có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc và tăng nguy cơ kháng thuốc.
Do đó, chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid như dexamethasol, betamethasol… là loại thuốc điều trị tình trạng viêm kết mạc nặng, chỉ dùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều người nghe lời mách bảo về tác dụng của loại thuốc nên khi bị đau mắt đỏ đã tự ý mua về dùng. Người bệnh không biết rằng, việc dùng không đúng cách hoặc kéo dài có thể gây những biến chứng nghiêm trọng: Mờ mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bộ nhiễm, loét giác mạc do virus, nấm…
Do dó, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt chứa corticoid về trị đau mắt đỏ.
5. Chữa bằng các phương pháp dân gian không đúng cách
Ngày nay mặc dù đã có những cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… nhưng vẫn còn một số người truyền tai nhau về các cách trị đau mắt đỏ dân gian: Đắp lá, xông hơi, nhỏ nước lá trầu không, nhỏ sữa mẹ… Hậu quả là, bệnh không khỏi mà lại càng nặng hơn. Nhiều trường hợp phải nhập viện vì bỏng giác mạc vì xông, mắt bị nhiễm trùng nặng…
Do đó, tuyệt đối không nhỏ các loại nước lá, sữa mẹ, xông hơi bằng lá trầu không… khi bị đau mắt đỏ. Bệnh nhân cần được thăm khám ở các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
6. Dùng khăn lau mắt
Đây cũng là một sai lầm dễ gặp. Nhiều người dùng giấy ăn, khăn sạch để lau mắt khi bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, việc này có thể khiến mắt khó chịu hơn, dễ bị kích ứng hơn. Hơn nữa, nước mắt và gỉ mắt dính trên khăn lau mặt dễ làm lây bệnh cho người khác.
Do đó, chỉ nên dùng gạc y tế hoặc bông y tế để lau nước mắt và gỉ. Lưu ý, chỉ dùng 1 lần và bỏ gọn vào thùng rác.