3 lý do khiến vết thương của người bị tiểu đường lâu lành
(QNO) - Bệnh tiểu đường ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Và một trong những biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là vết thương lâu lành.
Dưới đây là những lý do vì sao vết thương ở người bệnh tiểu đường lại lâu lành và giải pháp khắc phục, theo chuyên trang sức khỏe Glencoe Regional Health (Mỹ).
Suy giảm tuần hoàn
Suy giảm tuần hoàn là một trong những lý do chính khiến vết thương ở người bệnh tiểu đường lâu lành. Khi suy giảm tuần hoàn, lượng đường trong máu cao sẽ làm hỏng các mạch máu, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các chi.
Quá trình lưu thông máu sẽ cung cấp oxy, chất dinh dưỡng thiết yếu và tế bào miễn dịch đến vị trí vết thương. Nhờ vậy, các vết thương sẽ được chữa lành. Nếu hệ tuần hoàn bị tổn hại, vết thương sẽ nhận được ít dưỡng chất và chậm lành hơn.
Ngoài ra, những người bị bệnh tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên (PAD), là tình trạng hẹp các động mạch ở chân và bàn chân. PAD sẽ làm tình trạng suy giảm tuần hoàn nặng hơn, khiến vết thương ở người bệnh tiểu đường thêm lâu lành.
Thói quen tập thể dục và bỏ hút thuốc sẽ là những giải pháp hữu ích, giúp quản lý và cải thiện lưu thông lượng đường trong máu, hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên là tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra, dẫn đến việc mất cảm giác ở vùng bị ảnh hưởng. Khi mắc bệnh thần kinh ngoại biên, các bệnh nhân có thể không thấy đau và không cảm nhận được hết các vết thương như vết cắt và vết phồng rộp trên các chi.
Vì không được chú ý và không được điều trị, những vết thương sẽ có nguy cơ nhiễm trùng và chậm lành.
Để giảm thiểu tác động của bệnh thần kinh ngoại biên đối với việc chữa lành vết thương, những người mắc bệnh tiểu đường nên chăm sóc bàn chân cẩn thận.
Các bệnh nhân nên giữ cho bàn chân sạch sẽ, dưỡng ẩm, mang giày vừa vặn để ngăn chặn sự phát triển của các vết thương.
Suy giảm chức năng miễn dịch
Các bệnh nhân tiểu đường thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn nên dễ bị nhiễm trùng và giảm khả năng chống lại mầm bệnh. Các vết thương bị nhiễm trùng có thể bị viêm, gây tổn thương thêm các mô xung quanh, làm chậm quá trình hình thành các mạch máu mới cần thiết để chữa lành.
Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường cần duy trì, kiểm soát lượng đường trong máu. Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường cũng nên gặp chuyên gia y tế thường xuyên. Nhờ đó, bệnh nhân có thể quản lý bệnh thông qua các loại thuốc, chế độ ăn uống và lối sống thích hợp.