Hướng dẫn dùng thuốc nhỏ mắt bệnh đau mắt đỏ

V.THU (Theo baodansinh.vn) 13/09/2023 10:15

(QNO) - Theo kết quả báo cáo nhanh của phòng xét nghiệm thuộc Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và OUCRU, enterovirus và adenovirus là 2 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay, trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%). Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

 

Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng cao so với các năm gần đây, theo yêu cầu của Sở Y tế, nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới – OUCRU đã phối hợp với Bệnh viện Mắt TP.HCM và HCDC đã tiến hành khảo sát nhanh tìm tác nhân đối với những bệnh nhân đến khám tại BV Mắt TP.HCM vì đau mắt đỏ.

Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ bao gồm 20 nam, 19 nữ bao gồm cả người lớn và trẻ em với độ tuổi trung bình 19.7 tuổi (biến thiên: 4-64) đến khám tại BV Mắt vào ngày 7/9/2023 được lấy mẫu bệnh phẩm (mẫu phết mí mắt dưới). Các bệnh nhân đến từ 13 quận huyện trên địa bàn TPHCM và Thủ Đức (n=30), và 5 từ Bình Dương, 2 từ Bà Rịa Vũng Tàu, 1 từ Long An, và 1 từ Tiền Giang. Các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được gửi đến phòng xét nghiệm của đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác với OUCRU tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để thực hiện kỹ thuật PCR đa mồi tìm adenovirus, enterovirus, metapneumovirus và các parainfluenza virus.

Sau khi phân tích PCR nhóm nghiên cứu phát hiện adenovirus trong 05 bệnh nhân, enterovirus trong 32 bệnh nhân, 02 ca không tìm thấy tác nhân. Không có trường hợp nào dương tính với metapneumovirus hay parainfluenza virus, và cũng không có trường hợp nào đồng nhiễm giữa enterovirus và adenovirus.

Như vậy, enterovirus và adenovirus là hai tác nhân được tìm thấy trong 37/39 (95%) bệnh nhân được xét nghiệm, trong đó, enterovirus chiếm ưu thế (32/37, 86%), còn tác nhân hay gặp trước đó là adenovirus chỉ chiếm số ít (5/37, 14%). Nhóm nghiên cứu tiếp tục phân tích giải mã gene nhằm định danh chính xác kiểu huyết thanh và kiểu gene của các enterovirus và adenovirus gây bệnh.

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) thường do các tác nhân virus gây ra (adenovirus, enterovirus, coxsackie,…), bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Việc cho rằng lây lan qua đường nước uống là hoàn toàn không chính xác.

“…viêm kết mạc do enterovirus thường nhẹ hơn so với viêm kết mạc do adenovirus và thường ít có khả năng gây dịch lớn so với viêm kết mạc do adenovirus…” là thiếu cơ sở khoa học.

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học hiện nay trên thế giới, tác nhân enterovirus gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Tác nhân enterovirus đã được ghi nhận gây ra những đợt dịch viêm kết mạc tại nhiều nước trên thế giới. Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại các nước Châu Phi (Algeria, Ghana, Morocco, Nigeria, Tunisia), Châu Á (Cambodia, China, Hong Kong, India, Indonesia, Japan, Malaysia, Philipines, Singapore, Thailand) và Vương quốc Anh trong giai đoạn 1969-1971. Gần đây, năm 2014, nhóm virus này gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thailand với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 03 tháng.

Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau: có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

Các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh hiện có nhiều loại khác nhau, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ, như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin,… Hiện nay, nguồn thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh trên thị trường là rất lớn và không thể xảy ra tình trạng khan hiếm thuốc. Theo khảo sát nhanh của Phòng Nghiệp vụ Dược - Sở Y tế, thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh levofloxacin hiện có hơn 270.000 lọ, ofloxacin còn 15.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 900.000 lọ); tobramycin còn 20.000 lọ (sẽ nhập về thêm trong thời gian tới là 280.000 lọ),…

Điều quan trọng là, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

V.THU (Theo baodansinh.vn)