Những bài thuốc hay của lá trầu theo y học cổ truyền
(QNO) - Lá trầu có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm, có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, thường dùng để tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng.
Lá trầu có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm. Nó có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, thường dùng để tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng. Người ta có thể dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, sôi bụng. Có người dùng lá trầu để đánh gió trị cảm mạo.
Dùng lá trầu để đánh gió trị cảm mạo, lá trầu còn vò nát dùng để đắp quanh mụn nhọt, hoặc nấu nước tắm trị ghẻ ngứa, rôm sảy. Ngậm nước lá trầu trong miệng để trị đau răng, viêm chân răng có mủ. Lá trầu còn được dùng để chữa sai khớp, bong gân, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.
Lá trầu không có thể dùng 8 - 10 g/1 ngày, thường dùng ở dạng thuốc sắc, giã nát đắp ngoài hoặc ngâm lá với nước để rửa.
Một số bài thuốc từ lá trầu
1. Chữa đau mắt đỏ
Lá trầu không 3 cái, lá dâu 10 cái. Hai thứ này vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát tới miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút. Ngày làm như vậy 2 lần. Sau đó lấy nước này để rửa mặt.
2. Chữa nấm kẽ chân
Lá trầu không 8 g, lá ráy 50 g, phèn chua 20 g. Tất cả đem sắc lấy nước ngâm chân trong 15 phút.
3. Chữa đau họng
Lá trầu xay nhuyễn lấy nước, trộn thêm mật ong rồi ngậm thật lâu. Nếu uống được nước này thì càng tốt, sẽ giảm các kích thích gây ho.
4. Giảm đau lưng
Dùng lá trầu hơ nóng hoặc nước cốt lá trầu trộn với dầu dừa rồi đắp thắt lưng.
5. Trị cảm mạo
Vò nát lá trầu, bọc trong miếng vải, nhúng nước sôi, đánh gió ở hai bên sống lưng.
Lưu ý khi dùng lá trầu
Không nên dùng quá nhiều trầu một lần vì có thể làm khô môi, mất vị giác.
Bài viết trên đây về đặc điểm và công dụng của lá trầu. Tuy rằng rất dễ sử dụng, nhưng người dùng không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi để tránh những tác dụng không mong muốn.