5 bệnh truyền nhiễm qua nước cần chú ý trong mùa hè

V.THU (Theo phunuvietnam.vn) 07/07/2023 20:27

(QNO) - Các bệnh truyền nhiễm qua nước rất phổ biến vào mùa hè nhưng cũng dễ phòng ngừa. Thông thường các bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu điều trị và chăm sóc không đúng cách cũng có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng.

 

Vào mùa hè, bạn không chỉ phải đối phó với sự nóng nực, mệt mỏi mà bạn còn phải đối phó với nhiều bệnh tật, trong đó có nhiều bệnh lây nhiễm qua nguồn nước. Mặc dù một số bệnh không quá nguy hiểm nhưng một số khác có thể gây các biến chứng nghiêm trọng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Dưới đây là 5 bệnh truyền nhiễm qua nước cần chú ý trong mùa hè này

1. Bệnh tiêu chảy

Nhiều loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có thể gây ra bệnh tiêu chảy. Đây là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua nước và thực phẩm bị ô nhiễm phổ biến vào mùa hè.

Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm: phân lỏng, nhiều nước và thường xuyên muốn đi tiêu. Trẻ em có nhiều nguy cơ mắc bệnh này hơn do hệ tiêu hoá của trẻ vẫn còn kém.

Nếu bị tiêu chảy nhẹ thì bạn không cần quá lo lắng, điều quan trọng là bù nước cho cơ thể. Nhưng những trường hợp nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời vì bệnh có thể gây mất nước và các vấn đề liên quan. 

Các triệu chứng mất nước khi bị tiêu chảy như: Mệt mỏi, niêm mạc khô, tăng nhịp tim, đau đầu, lâng lâng, khát nước, giảm đi tiểu, khô miệng. Nếu bạn bị mất nước nghiêm trọng, cần nhanh chóng đến bệnh viện để nhận được sự chăm sóc y tế phù hợp, đặc biệt là trẻ em.

Cách phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Uống nước sạch và được đun sôi, thực hành vệ sinh tay thường xuyên với xà phòng, tránh thực phẩm chưa nấu chín, không ăn đồ ăn ôi thiu là những biện pháp hữu ích ngăn ngừa bệnh tiêu chảy.

Tiêu chảy là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua nước và thực phẩm bị ô nhiễm phổ biến vào mùa hè (Ảnh: Internet)
Tiêu chảy là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua nước và thực phẩm bị ô nhiễm phổ biến vào mùa hè (Ảnh: Internet)

2. Dịch tả

Đây bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae xâm nhập vào đường ruột. Mọi người có thể bị bệnh khi ăn phải thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn tả. Nhiễm trùng thường nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng đôi khi có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng của bệnh tả bao gồm tiêu chảy nhiều nước, nôn mửa, khát nước, chuột rút ở chân, bồn chồn hoặc khó chịu.

Cũng như bệnh tiêu chảy thông thường, bệnh tả có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu như cơ thể mất nước nghiêm trọng, dẫn đến sốc, hôn mê và tử vong trong vòng vài giờ.

Cách phòng ngừa bệnh tả

Việc ngăn ngừa bệnh tả phụ thuộc vào việc tiếp cận nguồn nước an toàn, điều kiện vệ sinh đầy đủ và các nhu cầu vệ sinh cơ bản, cụ thể:

- Rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi xử lý thực phẩm

- Uống nước sôi và tránh những thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín

- Đảm bảo sử dụng nước đóng chai, đun sôi hoặc khử trùng bằng hóa chất cho các mục đích như làm đá, đánh răng, rửa mặt và tay, rửa bát đĩa và đồ dùng mà bạn sử dụng để ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, rửa trái cây và rau quả.

- Tiêm phòng

Bệnh tả do vi khuẩn Vibrio cholerae xâm nhập vào đường ruột và gây bệnh (Ảnh: Internet)
Bệnh tả do vi khuẩn Vibrio cholerae xâm nhập vào đường ruột và gây bệnh (Ảnh: Internet)

3. Bệnh thương hàn

Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Salmonella gây ra. Bệnh lây truyền qua thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao, phát ban và các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đầy bụng, buồn nôn, đau bụng. Tuy nhiên, một số người mang vi khuẩn mà không phát triển các triệu chứng.

Phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh thương hàn là sử dụng kháng sinh. Nếu không được điều trị, bệnh thương hàn có thể gây tử vong trong khoảng 10–30% các trường hợp.

Cách phòng ngừa bệnh thương hàn

Để phòng ngừa bệnh thương hàn, mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp như:

- Đảm bảo thức ăn được nấu chín kỹ

- Tránh sữa tươi và các sản phẩm làm từ sữa tươi mà chưa được tiệt trùng

- Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc gia súc trong trang trại, hoặc sau khi đi vệ sinh.

- Uống nước sôi và sạch. Tránh nước đá trừ khi nó được làm từ nguồn nước an toàn.

- Nên rửa sạch và gọt vỏ củ quả sạch sẽ, nhất là khi ăn sống.

- Tiêm phòng

Sốt cao là triệu chứng đặc trưng của bệnh thương hàn (Ảnh: Internet)
Sốt cao là triệu chứng đặc trưng của bệnh thương hàn (Ảnh: Internet)

4. Viêm gan A

Viêm gan A là một dạng bệnh do siêu vi khuẩn viêm gan A (HAV) gây ra. Đây là một loại viêm gan cấp tính (ngắn hạn), thường không cần điều trị. Bệnh cũng lây nhiễm qua việc tiêu thụ thực phẩm và nước nhiễm virus.

Trẻ em dưới 6 tuổi thường không có triệu chứng khi nhiễm virus. Trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người lớn thường phát triển các triệu chứng nhẹ, có thể bao gồm:

- Các triệu chứng giống như cúm (sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ thể)

- Đau bụng (đặc biệt là ở góc phần tư phía trên bên phải)

- Phân sáng màu

- Nước tiểu đậm

- Ăn không ngon

- Sụt cân không rõ nguyên nhân

- Vàng da (vàng da hoặc mắt)

Các triệu chứng thường xuất hiện từ 14 đến 28 ngày sau khi bạn nhiễm virus.

Cách phòng ngừa viêm gan A

Cũng như các bệnh lý trên, để phòng viêm gan A, mọi người nên:

- Tiêm phòng

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước ấm trước khi ăn hoặc uống và sau khi đi vệ sinh

- Uống nước sạch và đun sôi

- Tránh ăn thực phẩm chưa được nấu chín. Nếu ăn salad hoặc các món ăn từ rau củ sống, bạn nên sơ chế sạch sẽ và ngâm trước khi ăn.

Người bị viêm gan A có thể vàng da hoặc mắt (Ảnh: Internet)
Người bị viêm gan A có thể vàng da hoặc mắt (Ảnh: Internet)

5. Bệnh Leptospira

Leptospirosis là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc chi Leptospira gây ra, bệnh có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với nước hoặc đất bị nhiễm nước tiểu của động vật bị nhiễm bệnh.

Ở người, bệnh có thể gây ra một loạt các triệu chứng, một số triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, mắt đỏ, phát ban. Tuy nhiên, một số người bị nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng nào cả.

Nếu không điều trị phù hợp, bệnh Leptospirosis có thể dẫn đến tổn thương thận, viêm màng não, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.

Cách phòng ngừa bệnh Leptospira

Để giảm nguy cơ mắc bệnh leptospirosis, mọi người không nên bơi lội trong nước có khả năng bị nhiễm nước tiểu động vật hoặc loại bỏ tiếp xúc với động vật có khả năng bị nhiễm bệnh. Mặc quần áo hoặc giày bảo hộ khi xử lý nước hoặc đất bị ô nhiễm. Uống nước sạch và được đun sôi.

V.THU (Theo phunuvietnam.vn)