Vì sao trẻ thường bị rôm sảy vào mùa Hè?

V.THU (Theo giaoducthoidai.vn) 23/05/2023 13:32

(QNO) - Trong mùa Hè nắng nóng, trẻ rất dễ gặp vấn đề về da, bao gồm rôm sảy. Đây là bệnh lý xuất hiện do viêm các tuyến mồ hôi ở cơ thể.

Cha mẹ cần duy trì lau mồ hôi thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần duy trì lau mồ hôi thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ. Ảnh minh họa

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi

Thời tiết nắng nóng, đặc biệt là vào mùa Hè, là thời điểm dễ mắc bệnh rôm sảy... Nguyên nhân là do tuyến mồ hôi của trẻ em chưa phát triển hoàn chỉnh nên trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh này.

Làn da của trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây nên các vấn đề về da như: Rôm sảy, hăm tã, mẩn ngứa… đặc biệt mỗi khi vào Hè.

Trong những ngày nóng bức, cơ thể trẻ tiết ra mồ hôi để điều hòa thân nhiệt. Mồ hôi kết hợp với bụi bẩn trong không khí gây bít tắc lỗ chân lông và tạo môi trường cho vi khuẩn xuất hiện gây rôm sảy.

BSCKI Lâm Tuyết Trinh - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, trong mùa Hè nắng nóng như hiện nay, các bé rất dễ gặp vấn đề về da, trong đó bao gồm rôm sảy. Đây là bệnh lý xuất hiện do viêm các tuyến mồ hôi ở cơ thể.

Nguyên nhân một phần là do các tuyến mồ hôi của trẻ hoạt động vẫn chưa giống như người lớn. Một phần khác vì thời tiết nắng nóng gây đổ mồ hôi nhiều. Từ đó, gây ra tình trạng viêm da, hay còn gọi là rôm sảy. Bệnh thường xảy ra vào mùa Hè, nắng nóng, khi mồ hôi tiết ra nhiều.

“Rôm sảy xảy ra do viêm các tuyến mồ hôi. Do đó, bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Ở tuổi này, tuyến mồ hôi của các bé vẫn chưa phát triển, đặc biệt là trẻ nhũ nhi, tức là dưới 1 tuổi. Các vùng da thường hay gặp tình trạng nổi mẩn đỏ rôm sảy đa số là ở các vùng nếp gấp. Ví dụ, vùng nếp gấp ở cánh tay, đầu gối, vùng lưng, chủ yếu là nếp gấp ở cổ”, bác sĩ Trinh chia sẻ.

Vùng da thường xuất hiện rôm sảy

Theo chuyên gia này, rôm sảy được phân loại theo dạng nhẹ và có biến chứng. Nếu rôm sảy xảy ra do viêm tuyến mồ hôi thì các bé thông thường sẽ nổi ở những vùng nếp gấp. Ở những vùng da đó, trẻ khi mắc rôm sảy sẽ gặp tình trạng ngứa, ăn uống kém.

Trong trường hợp phụ huynh xử trí không đúng cách, rôm sảy có thể dẫn đến biến chứng, đó là viêm da mủ nhiễm trùng bội nhiễm lên trên nền da đó. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được kê kháng sinh hoặc một số thuốc đặc trị.

Để phân biệt rôm sảy với các bệnh lý về da khác, phụ huynh cần dựa vào một số yếu tố. Trong đó, với bệnh sởi hoặc sốt phát ban, trẻ thường sốt. Đối với mề đay dị ứng, nốt ban sẽ là một dạng khác. Đặc biệt, ban sẽ nổi sau khi các bé tiếp xúc với chó mèo, phấn hoa hoặc ăn một số loại thức ăn mà trước đây khiến trẻ từng dị ứng.

Đa số ban do rôm sảy sẽ li ti và chỉ gây ngứa ngoài da. Trong trường hợp lan nhiều hơn, trẻ sẽ khó ngủ, trằn trọc về đêm. Trường hợp ngứa nhiều, khó chịu mất ngủ sẽ dẫn tới tình trạng dinh dưỡng của bé kém. Đó là những triệu chứng đi kèm thường gặp với rôm sảy.

Do đó, khi trẻ bị rôm sảy, phụ huynh cần chú ý nếu con nổi nhiều hoặc rất nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, bỏ ăn, bỏ bú, ngứa nhiều, đêm không ngủ được. Hoặc, trên làn da bé, phụ huynh phát hiện ra những bóng nước, vùng da nghi ngờ là mủ, nhiễm trùng thì cần đưa con đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám đầy đủ hơn, cũng như cho thuốc đặc trị nếu cần.

“Với rôm sảy, đa số các bé không bị nặng, mà chỉ nhẹ. Đối với các mùa nắng nóng, đây là bệnh do viêm tuyến mồ hôi, thì cha mẹ nên giữ cho trẻ không ra mồ hôi nhiều. Song, điều này sẽ hơi khó, nhưng có thể để trẻ mặc thoáng mát, lau mồ hôi thường xuyên. Đặc biệt, luôn giữ cho trẻ tắm, khô ráo để tránh những tuyến mồ hôi đó tiết ra nhiều, gây bít tắc và làm cho viêm tuyến mồ hôi đó”, bác sĩ Trinh khuyến cáo.

Để phòng ngừa rôm sảy cho trẻ trong trời nóng, cha mẹ cần giữ bé ở những khu vực có nhiệt độ dễ chịu. Nếu bé ra mồ hôi nhiều, cha mẹ cần lau. Tránh để mồ hôi lưu giữ trên vùng da quá lâu.

Cho trẻ mặc các loại quần áo thoáng mát. Tránh mặc đồ dày không thoát mồ hôi. Đối với dinh dưỡng, cần cho bé ăn uống đầy đủ, uống đủ nước. Nước cần tuỳ theo cân nặng và nhu cầu của bé, ngoài nước lọc, nước trái cây thì còn tính cả sữa.

Với các bé có tình trạng rôm sảy, để không diễn tiến thành biến chứng, tránh triệu chứng đi kèm như ngứa, bỏ ăn, bỏ bú, cha mẹ phải tắm cho trẻ thường xuyên.

Trong trời nóng ra mồ hôi nhiều, có thể tắm cho bé bằng nước ấm thay vì nước nóng. Bởi, nước càng nóng càng gây khô da. Đồng thời, tắm cho trẻ bằng nước ấm hai lần một ngày. Nếu duy trì như vậy, tình trạng rôm sảy của trẻ sẽ khỏi nhanh.

Chia sẻ về việc một số phụ huynh lo ngại rôm sảy có thể xuất hiện khi trẻ ăn hải sản, bác sĩ Trinh cho biết: “Rôm sảy là do viêm tuyến mồ hôi, không phải dị ứng. Do đó, hải sản, như tôm, cua… sẽ không gây tình trạng rôm sảy ở trẻ”.

V.THU (Theo giaoducthoidai.vn)