Tê bì chân tay là dấu hiệu của 7 bệnh lý nguy hiểm

V.THU (Theo doanhnghiepvn.vn) 14/05/2023 14:28

(QNO) - Nguyên nhân chính của triệu chứng tê bì là các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép theo nhiều cơ chế khác nhau trong một số bệnh lý phổ biến.

Cột sống thu nhỏ bẩm sinh là nguyên nhân các dây thần kinh đi qua vị trí hẹp này sẽ bị chèn ép, gây ra triệu chứng tay chân tê bì, khả năng vận động hạn chế. Ảnh: Capitalist.
Cột sống thu nhỏ bẩm sinh là nguyên nhân các dây thần kinh đi qua vị trí hẹp này sẽ bị chèn ép, gây ra triệu chứng tay chân tê bì, khả năng vận động hạn chế. Ảnh: Capitalist.

Tình trạng tê bì chân tay ban đầu có thể chỉ là triệu chứng nhẹ như tê các đầu ngón tay, ngón chân, bàn chân, cảm giác bị châm chích. Các triệu chứng này có thể nặng thêm và kéo dài. Đồng thời, đau tê bì sẽ lan dọc theo cánh tay – cẳng tay, đùi – cẳng chân, kèm theo mỏi cơ, mỏi khớp gây ảnh hưởng đến vận động sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh.

Triệu chứng tê bì chân tay có thể xuất phát và kèm theo đau từ: Vùng bả vai, gáy hoặc cánh tay; từ vùng thắt lưng hoặc mông, đùi sau; chỉ khu trú tại một vùng.

Người bệnh sẽ có cảm giác tê, đau mỏi khó chịu, đôi khi không có tư thế giảm đau và mất đi cảm giác, có lúc lại đau buốt. Người bệnh bị hạn chế cử động do đau, thậm chí bị liệt vận động tay, chân hay trầm trọng hơn là liệt các cơ quan vùng chậu (tiêu tiểu không kiểm soát, mất khả năng tình dục). Người bệnh cảm thấy mất hết năng lượng, mất ăn mất ngủ, không làm được việc, tinh thần mệt mỏi, suy sụp.

Nguyên nhân chính của triệu chứng tê bì là các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép theo nhiều cơ chế khác nhau trong một số bệnh lý phổ biến sau:

Mất cân bằng cơ xương khớp

Mất cân bằng về chiều dài và căng lực giữa các cơ có thể gây lệch vẹo cơ học tại khớp và khung xương. Điều này dẫn đến chèn ép thần kinh, gây cảm giác tê bì, đặc biệt khi thần kinh chi trên bị chèn ép vào xương đòn và thần kinh chi dưới bị chèn ép bởi cơ hình lê tại mông dưới.

Bệnh nhân sẽ có triệu chứng gần giống thoát vị đĩa đệm tại cổ và thắt lưng. Mất cân bằng cơ gây lệch vẹo xương khớp do ngồi, nằm nhiều và sai tư thế kéo dài, viêm cơ, viêm thần kinh cơ, chấn thương cơ, loạn dưỡng cơ, lao động nặng nhọc, chơi thể thao…

Mất cân bằng cơ gây lệch vẹo hình thể và đau nhức cơ xương khớp là căn bệnh thời đại do sử dụng smartphone, máy tính sai tư thế và thói quen lười vận động.

Thoát vị đĩa đệm

Theo các nghiên cứu, 80% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có triệu chứng tê bì chân tay. Đây là bệnh lý thường gặp ở đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng. Bạn sẽ có những triệu chứng như đau nhức, tê cứng bắp tay, vùng đùi, bắp chân, tê bì đầu ngón chân, tay.

Nguyên nhân chính của hiện tượng tê cứng chân tay là đĩa đệm lồi hay phình ra hoặc chất nhầy ở bộ phận này bị thoát ra khỏi vị trí của nó, chèn vào các dây thần kinh cột sống. Người bệnh sẽ cảm thấy chân tay bị tê bì liên tục.

Tùy vào thoát vị thể trung tâm hay bên, bệnh nhân có thể bị một hoặc cả 2 tay hoặc 2 chân cùng lúc. Tình trạng này nếu không được điều trị dứt điểm có thể xuất hiện những diễn biến xấu gây ra teo cơ hoặc bại liệt toàn thân.

Hẹp ống sống, trật đốt sống, viêm khớp hay thoái hóa cột sống

Hẹp ống sống: Đây là dạng bệnh bẩm sinh. Cột sống thu nhỏ bẩm sinh là nguyên nhân các dây thần kinh đi qua vị trí hẹp này sẽ bị chèn ép, gây ra triệu chứng tay chân tê bì, khả năng vận động hạn chế.

Trật đốt sống có thể do vận động mạnh như khuân vác đồ, va chạm khi chơi thể thao, tai nạn. Ngoài ra, các cơ vùng cột sống có thể bị mất cân bằng co kéo đốt sống trong thời gian dài, gây chấn thương chèn ép các rễ thần kinh.

Khi các khớp và rễ thần kinh bị tổn thương hay viêm, tình trạng tê chân tay cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và có thể dẫn đến đau nhức vùng bị tổn thương.

Với các bệnh nhân bị viêm khớp, viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng này khi họ nằm hoặc ngồi một chỗ trong thời gian quá dài. Thoái hóa cột sống khiến sụn khớp, đốt sống bị bào mòn, cọ xát với rễ thần kinh gây đau nhức. Hiện tượng tê tay chân do thoái hóa thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết.

Đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể là hậu quả của 3 nhóm bệnh lý trên. Chúng chèn ép vào dây thần kinh tọa khiến cho bệnh nhân có thể bị tê, đau từ thắt lưng xuống mông, đùi và cả bắp chân. Bên nào bị chèn ép nhiều, cơn đau nhức và tê bì càng nghiêm trọng.

Bệnh này gây ảnh hưởng rất lớn cuộc sống hàng ngày nên bạn cần phải đi khám và điều trị sớm.

Viêm đa dây thần kinh, suy nhược cơ thể

Một số vitamin thiết yếu như B1, B6, B12… đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động ổn định của hệ thần kinh.

Khi thiếu các dưỡng chất thiết yếu này do suy dinh dưỡng không đầy đủ, cơ thể sẽ rơi vào sự mệt mỏi kéo dài, thần kinh ngoại biên bị tổn thương gây tay chân tê bì thường xuyên, đau teo và yếu cơ, mất phản xạ gân xương.

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi.

Bệnh lý mạch máu ngoại vi

Các mảng xơ vữa lắng đọng trong lòng động mạch gây hẹp dòng chảy khiến động mạch bị tắc. Máu chảy đi nuôi các chi bị thiếu hụt khiến tê bì chân tay, chuột rút, cứng cơ, đau chi, lâu dần dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng.

Càng hoạt động, cơn đau càng tăng lên. Cơn đau cách hồi khiến bệnh nhân khó tập luyện và di chuyển, kể cả khi đi bộ. Lượng đường trong máu tăng cao cũng sẽ dẫn đến tình trạng các mạch máu bị tổn thương. Hút thuốc lá và tiểu đường là hai tác nhân gây nguy cơ mắc bệnh mạch ngoại vi cao.

Giãn tĩnh mạch là bệnh có yếu tố di truyền, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn nam giới, đặc biệt là người lớn tuổi, ngừa thừa cân béo phì hoặc phải đứng trong một thời gian dài. Biểu hiện của bệnh là tĩnh mạch nổi thành các đường ngoằn ngoèo, màu xanh tím trên da. Người bệnh sẽ có cảm giác đau như bị châm chích ở chân. Cuối ngày, mắt cá chân thường sưng phù.

Chèn ép thứ phát

Phụ nữ mang thai, đặc biệt ở tam cá nguyệt cuối, thai nhi lớn làm tử cung to, chèn ép các mạch máu vùng chậu, gây giảm tưới máu vùng chi dưới, nhất là khi ngồi, đứng hay nằm ngửa lâu. Thai phụ có thể thuyên giảm triệu chứng bằng cách thay đổi các tư thế.

Bên cạnh đó, các mạch máu và thần kinh có thể bị chèn ép thứ phát bởi u bướu hay vật nặng tỳ đè lên chi, tư thế nằm gối tay hoặc ngồi lâu trên mặt phẳng cứng. Tê bì cũng có thể do tác dụng phụ một số loại thuốc.

Bài viết do bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, TP Hồ Chí Minh, cung cấp thông tin.

V.THU (Theo doanhnghiepvn.vn)