Những kiến thức cần biết về hệ miễn dịch
(QNO) - Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan... giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, nhiễm trùng, tránh nguy cơ gây ốm đau và bệnh tật.
Hệ miễn dịch hoạt động như thế nào để bảo vệ cơ thể?
Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên khác nhau và tạo ra những kháng thể để loại bỏ chúng. Khi hệ thống này bị suy giảm, cơ thể dễ dàng bị nhiễm bệnh bởi vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm… Chúng có mặt ở khắp mọi nơi như trong nhà, nơi làm việc và môi trường tự nhiên.
Hệ thống miễn dịch gồm 2 tuyến phòng thủ hay còn gọi là hàng rào miễn dịch, bao gồm miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. Miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng không hoạt động độc lập với nhau mà luôn phối hợp chặt chẽ với nhau.
Hệ miễn dịch bẩm sinh kích hoạt rất nhanh, ngay lập tức trong khi hệ miễn dịch thích ứng sẽ chậm hơn một chút vì phải nhận diện được yếu tố gây hại xâm nhập vào cơ thể.
Miễn dịch tự nhiên được tạo thành cơ bản trên da, đường ruột và lỗ mũi mỗi khi chúng ta hít thở hoặc khi yếu tố gây hại muốn xâm nhập vào cơ thể qua da, hoặc khi da có vấn đề khác thường. Ngay khi yếu tố gây hại từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể, một số tế bào đặc hiệu sẽ được kích hoạt và ngay lập tức phản ứng để tiêu diệt "kẻ xâm lược".
Các tế bào biểu mô của da và một số cơ quan khác đóng vai trò như rào cản. Nếu các kẻ xâm lược này có thể vượt qua được hàng rào miễn dịch đầu tiên, hệ thống hàng rào miễn dịch thứ hai sẽ được kích hoạt.
Hàng rào miễn dịch thứ hai, miễn dịch thích ứng mất nhiều thời gian hơn để nhận biết được "kẻ xâm lược" là gì. Sau đó mới bắt đầu phản ứng và tiêu diệt nó. Hàng rào miễn dịch thứ hai sẽ phát triển trong suốt cuột đời, nó sẽ ghi nhớ, và dễ dàng phát hiện những mầm bệnh quay trở lại trong tương lai.
Khi cơ thể bị suy giảm các chức năng miễn dịch có nghĩa là hệ thống bảo vệ và phòng ngự của cơ thể bị giảm sút, khả năng bắt giữ và chống lại tác nhân gây hại kém hiệu quả, kết quả là dễ phải chịu sự tấn công của tác nhân gây nhiễm khuẩn và kéo dài, tái diễn thường xuyên tình trạng nhiễm trùng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm các chức năng miễn dịch trên có thể do cơ thể chúng ta liên tục tiếp xúc với hàng ngàn và hàng triệu vi khuẩn, virus cư trú ở khắp các bộ phận trong cơ thể, như trên da, miệng và cổ họng. Chúng có thể làm suy yếu sức đề kháng và gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, sức đề kháng cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như căng thẳng, thiếu ngủ, thiếu vận động, tuổi tác, đặc biệt là do chế độ dinh dưỡng kém,….
Hệ tiêu hoá và mối liên quan đặc biệt với hệ miễn dịch
Hệ tiêu hóa ảnh hưởng đến toàn bộ sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm - tinh thần, đồng thời có khả năng phòng ngừa bệnh tật cho nhiều hệ cơ quan. Hệ tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Miễn dịch hệ bạch huyết biểu mô tập trung ở hệ tiêu hóa. Hệ tiêu hóa cũng là nơi sản xuất các yếu tố miễn dịch cho cơ thể, như các đại thực bào và các kháng thể IgA...
Mỗi cơ quan trong hệ tiêu hóa đều giữ vai trò chuyên biệt trong quá trình vận chuyển, tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải. Khi thiếu dinh dưỡng, hay chế độ dinh dưỡng kém, cơ thể có thể gặp một số căn bệnh, suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng; ảnh hưởng đến tiến độ lành bệnh cũng như khả năng phục hồi.
Hệ tiêu hóa khỏe mạnh khi hệ vi sinh đường ruột ở trạng thái cân bằng. Khi hệ vi sinh mất cân bằng, các vấn đề rối loạn chức năng tiêu hóa, miễn dịch tại đường ruột cũng như các rối loạn về thể chất và tinh thần.
Vì vậy, để có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không chỉ bổ sung đủ các chất dinh dưỡng đại lượng (chất đạm, chất đường bột, chất béo) mà cần bổ sung thêm đủ chất xơ, lợi khuẩn.