Cần làm gì ngay sau khi bị chó cắn?
(QNO) - Ở VN, bệnh dại lưu hành và phát triển tại hầu hết các tỉnh thành. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Thời kỳ lây truyền ở chó và mèo thường từ 3 - 7 ngày trước khi có dấu hiệu lâm sàng và trong suốt thời kỳ động vật bị bệnh.
Đặc biệt, khi đến thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể, nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi rút dại. Sau đó, vi rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.
Tất cả loài động vật máu nóng đều có cảm nhiễm với vi rút dại ở mức độ khác nhau. Tính cảm nhiễm cao nhất là chó, chó sói, mèo, trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ, gấu, chuột. Trong đó, chó bị mắc bệnh nhiều nhất.
Thông thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1 hoặc 2 năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của vi rút dại.
Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật là: sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) là bắt buộc nếu bạn bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn. Theo Cục Y tế dự phòng, cần áp dụng PEP trong các điều kiện sau đây: nếu vết cắn gây xước da và vết thương chảy máu; nếu màng nhầy ở vùng da tiếp xúc với nước bọt của động vật nghi dại; nếu con vật đã cắn người bị chết, biến mất trong thời gian theo dõi, có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường, nếu kết quả xét nghiệm chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.
Luật Chăn nuôi 2018, điều 66 quy định:
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Nghị định 04/2020/NĐ-CP, điều 2 và Nghị định 90/2017/NĐ-CP, điều 7 quy định:
Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Điều hành Trung tâm Xét nghiệm y sinh học lâm sàng và dịch vụ khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM) lưu ý: "Hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không đi tiêm phòng sau khi bị động vật cắn, cào. Người dân nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đi tiêm phòng. Đây là cách nghĩ không đúng vì tiêm ngừa bệnh dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ... 70% người bị chó, mèo cắn tử vong là do lo đi "lấy nọc độc", tự điều trị thuốc theo truyền miệng...".