Phục hồi sinh cảnh cho voọc chà vá chân xám

VĂN PHIN 27/09/2023 10:03

(QNO)-Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là phục hồi sinh cảnh cho loài động vật quý hiếm này…

Voọc chà vá chân xám ở rừng Tam Mỹ Tây.
Voọc chà vá chân xám ở rừng Tam Mỹ Tây.

Mối đe dọa quần thể voọc

Kết quả khảo sát gần đây nhất của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) trên khoảng 30ha rừng tự nhiên ở núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu thuộc thôn Tú Mỹ và Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) có tổng cộng 68 cá thể voọc chà vá chân xám trong 6 đàn (gia đình) sinh sống. Đây là quần thể voọc duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên.

Tuy nhiên, đây là dải rừng nghèo, hẹp trên núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50 - 150m. Rừng tự nhiên giữa các khu vực bị chia cắt từ 1 đến 3km bởi rẫy trồng keo 1 - 4 năm tuổi và bị cô lập với các hệ sinh thái rừng tự nhiên khác khoảng cách từ 7 - 10km. Mối đe dọa đến sự sinh tồn của quần thể voọc chà vá gồm cả yếu tố tự nhiên như thiếu thức ăn, nơi ở, nước uống, khó chống chịu lúc thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Mặt khác, tác động từ con người gồm nguy cơ săn bắn, bẫy bắt, cháy rừng, lấn chiếm rừng làm rẫy… gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn voọc chà vá chân xám.

Ông Phan Đình Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, được sự hỗ trợ của Trung tâm Green Viet, trước mắt địa phương bảo vệ nghiêm ngặt 30ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng sản xuất tại núi Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Tiến hành trồng và phục hồi thêm 30ha rừng tự nhiên đang là nương rẫy để kết nối sinh cảnh nhằm đảm bảo tối thiểu có 60ha sinh cảnh sống cho đàn voọc chà vá. Phạm vi này được gọi là vùng lõi, là khu bảo vệ nghiêm ngặt, chuyển đổi sang mục đích rừng đặc dụng. Vùng xung quanh phạm vi này với tổng diện tích khoảng 90ha rẫy trồng keo của người dân được xem là vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái nhằm hạn chế các tác động đến vùng lõi và tạo thêm không gian sống cho loài voọc chà vá chân xám.

Qua thực tế, thực hiện đồng quản lý giữa Nhà nước với cộng đồng dân cư và các bên liên quan được xem là giải pháp phù hợp nhất tại khu vực rừng có đàn voọc chà vá sinh sống. Kết hợp bảo tồn gắn liền du lịch sinh thái để cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt khoảng 90 hộ dân có rẫy trồng keo hơn 20 năm qua thuộc phạm vi mở rộng và giáp ranh khu vực có đàn voọc chà vá.

Quan sát sinh cảnh đàn voọc chà vá chân xám sinh sống.
Quan sát sinh cảnh đàn voọc chà vá chân xám sinh sống.

Phục hồi và mở rộng sinh cảnh

Theo đề án của Sở NN&PTNT, đến năm 2030, nâng tổng diện tích môi trường sống phù hợp cho đàn voọc chà vá chân xám lên tối thiểu 150ha. Trong đó, trồng và làm giàu được 60ha rừng và đất lâm nghiệp đã được quy hoạch vào loại rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025. Tăng chất lượng rừng làm sinh cảnh sống cho loài voọc, tăng độ che phủ rừng, tạo cảnh quan thiên nhiên, cải tạo môi trường sống phù hợp hơn cho đàn voọc chà vá chân xám và các loài động vật hoang dã. Tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn cho hồ Đồng Nhơn, các con suối và chống xói mòn nương rẫy xung quanh.

Khu vực bảo tồn voọc chà vá tại Tam Mỹ Tây.
Khu vực bảo tồn voọc chà vá tại Tam Mỹ Tây.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chuyển đổi 60ha rừng đặc dụng ở xã Tam Mỹ Tây (đã được UBND tỉnh đề xuất về phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2030), sẽ tiến hành đo đạc, xác định cụ thể ranh giới ngoài tự nhiên và lập bản đồ chi tiết để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Khoảng 90ha còn lại vẫn giữ nguyên mục đích đất sản xuất, thuộc quyền quản lý và sử dụng của người dân, nhưng xây dựng cơ chế đồng quản lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân mà vẫn góp phần tạo được sinh cảnh sống phù hợp cho loài voọc chà vá chân xám cũng như giữ gìn đa dạng sinh học. Kinh phí dự kiến cho nội dung này là 600 triệu đồng từ ngân sách trung ương (theo Quyết định 886/QĐ-TTg - Chương trình mục tiêu phát triển bền vững) và nguồn xã hội hóa.

Rẫy trồng keo nơi mở rộng sinh cảnh cho đàn voọc. Ảnh: V.Phin
Rẫy trồng keo nơi mở rộng sinh cảnh cho đàn voọc. Ảnh: V.Phin

Bên cạnh đó là phục hồi sinh cảnh trên diện tích nương rẫy khu vực đàn voọc chà vá sinh sống. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, ưu tiên trồng rừng, phục hồi 30ha rừng tự nhiên để kết nối sinh cảnh sống giữa 4 hòn gồm: Hòn Dồ, Hòn Dương Bông, Hòn Ông và Dương Bản Lầu. Giai đoạn 2026 - 2030 ưu tiên mở rộng vùng làm sinh cảnh sống để phấn đấu có được tối thiểu 150ha sinh cảnh sống phù hợp cho đàn voọc chà vá chân xám sinh trưởng, phát triển. Ưu tiên sử dụng các loài cây bản địa làm thức ăn cho voọc chà vá chân xám để trồng và phục hồi rừng.

VĂN PHIN