Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Liệu có quy về một mối?
Dù được quy định cụ thể trong Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP nêu rõ những nhiệm vụ, trách nhiệm của tổ chức lưu vực sông, song lưu vực Vu Gia - Thu Bồn lại chưa thể có được tổ chức chính thức điều phối. Tính cấp thiết của câu chuyện “quy về một mối” đã nhiều lần được đề cập và xúc tiến, song kết quả vẫn phải chờ cơ quan có thẩm quyền.
Thiếu một đầu mối trách nhiệm
Đặt vào hiện trạng của lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hiện nay, không khó để nhận thấy sự cấp thiết phải ra đời tổ chức lưu vực sông cho khu vực này. Theo thông tin từ Sở TN-MT Quảng Nam, lưu vực sông này đang phải đối mặt nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguồn thải không chỉ ở các khu vực lân cận, mà còn có nguồn cơn từ các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép phía thượng nguồn, sạt lở đất ven sông, rác thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, rác do nước lũ cuốn trôi từ thượng nguồn đổ về hạ lưu.
Việc chưa thành lập tổ chức lưu vực sông gây nhiều khó khăn trong thực hiện các hoạt động cải tạo, khôi phục các dòng sông bị bồi lắng. Những áp lực đang khá rõ: cạn kiệt nguồn nước, sạt lở, lấn chiếm lòng sông, yêu cầu phải khôi phục, bảo tồn các hệ sinh thái, cải thiện chất lượng nước.
Bên cạnh đó, hàng loạt nhiệm vụ đang được đặt ra như phát triển vành đai sinh thái ven sông, giải tỏa các vật cản dòng chảy trên sông; bổ sung nước cho các nguồn bị cạn kiệt, xây dựng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng xử lý nước thải; giảm thiểu nguồn ô nhiễm phân tán ở các khu đô thị và nông thôn; tăng cường các hoạt động phòng chống sự cố ô nhiễm nguồn nước; xây dựng cơ sở hạ tầng giữ nước để tăng lưu lượng nước trong sông, gia cố bờ sông, nạo vét bồi lắng lòng sông… Mọi thứ đều quay ngược lại câu chuyện cũ mà vẫn rất thời sự: chưa có tổ chức lưu vực sông.
Theo TS. Vũ Thị Thu Lan - Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, vẫn có sự bất ổn khi để một Sở TN-MT quản lý “chung chung”, trong khi một số sở khác thì lại quản lý hoạt động khai thác, sử dụng, mà chưa có một quy hoạch tổng thể nào.
Ví dụ, các hồ chứa nước của công trình thủy điện đầu nguồn sông Vu Gia có các chức năng cơ bản là ngăn lũ, cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (ngành NN&PTNT); cung cấp “nguyên liệu” cho sản xuất điện năng (ngành công Thương); cung cấp nước thô cho sản xuất nước sinh hoạt (ngành xây dựng), nhưng sự điều phối chung để phân phối, sử dụng tài nguyên nước một cách có hiệu quả còn yếu.
Tại hội thảo vừa được hai địa phương tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Quảng Nam và Đà Nẵng đã đồng kiến nghị Bộ TN-MT thành lập tổ chức lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 02/2023/NĐ-CP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Hồ Quang Bửu nói: “Đây là yêu cầu khá quan trọng, trong bối cảnh một lưu vực sông nhưng nguồn nước thủy điện thì Bộ Công Thương quản lý, nguồn nước tưới tiêu Bộ NN&PTNT quản lý, nguồn nước chảy bình thường do Bộ TN-MT quản lý.
“Chúng ta cần có tổ chức rõ ràng để quản lý, chịu trách nhiệm và điều tiết cả lưu vực sông. Một số nước trên thế giới, một dòng sông là có một công ty của quốc gia họ quản lý. Hiện nước ta không có mô hình đó, Ban điều phối phải khẩn trương tham mưu được việc này”.
Cấp thiết
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực, dù đã được Chính phủ phê duyệt, song quá trình điều tiết cũng đặt ra yêu cầu phải có một tổ chức thay mặt cho chính quyền 2 địa phương giám sát, điều tiết việc vận hành trong mùa cạn và mùa lũ. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo để các chủ hồ chứa thủy điện tuân thủ đúng quy trình vận hành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
TS. Vũ Thị Thu Lan cho hay, vấn đề quản lý toàn diện trầm tích trong các hệ thống sông chưa được đặt ra. Đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam và hiện thiếu các văn bản chính sách, pháp lý đề cập, kéo theo đó vai trò điều phối trong quản lý lĩnh vực này cũng không được thể hiện. Vì vậy có thể thấy vấn đề vận chuyển trầm tích trong sông và xói lở bờ sông chưa được xem xét một cách tổng thể.
An ninh nguồn nước “gia cố” thêm một lý do để tăng tính cấp thiết cho việc cần có một tổ chức lưu vực sông, đặc biệt khi Vu Gia - Thu Bồn liên quan đến nguồn nước trực tiếp phục vụ sinh hoạt cho nhân dân Quảng Nam và Đà Nẵng.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN-MT thông tin, những nhiệm vụ này sẽ khó thực hiện do liên quan đến nguồn lực. Nhưng sâu xa hơn, là do chưa có cơ quan chức năng nào đảm nhận thực hiện theo quy định.
“Đã đến lúc cần một tổ chức lưu vực sông, đủ năng lực và quyền hạn để có thể điều phối, giám sát, giải quyết các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do ô nhiễm nước gây ra.
Trong đó công tác quản lý, điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và phòng chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là rất cấp thiết” - bà Lê Thủy Trinh nói.
Cũng theo phân tích của bà Lê Thủy Trinh, việc chưa thành lập tổ chức lưu vực sông do chưa có quy định về cơ cấu tổ chức, các thành viên của tổ chức và chưa có hướng dẫn cụ thể về bộ máy hoạt động của tổ chức lưu vực sông.
Đồng thời khi tổ chức này thành lập sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan như cơ cấu tổ chức, biên chế, nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động. Mặt khác, hiện nay từng ngành, từng lĩnh vực đã có quy hoạch, kế hoạch riêng và việc quản lý tài nguyên nước, môi trường được quy định cụ thể theo Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật có liên quan.