Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Nhìn lại Quy trình 1865
Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn từ khi ra đời đã mang lại nhiều hữu ích trong điều tiết nguồn nước đảm bảo lợi ích các bên liên quan, dù vậy cũng tồn tại không ít nhược điểm cần sớm khắc phục.
Nhiều điểm không còn phù hợp
Ngày 23/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1865 ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (gọi tắt là Quy trình 1865).
Theo nhận định của các chuyên gia, dung tích phòng lũ của các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được quy định theo Quy trình 1865 hiện đã giảm đi rất nhiều so với Quy trình 1537 năm 2015, thậm chí dung tích chống lũ của các hồ trên lưu vực thời kỳ cuối mùa lũ (từ 16/11 - 15/12) nhỏ hơn nhiều dung tích đón lũ và chống lũ của các hồ trên sông Hương (Thừa Thiên Huế) hay Trà Khúc (Quảng Ngãi).
Trong khi đó, dòng chảy mùa lũ (từ tháng 10 - 12) của lưu vực Vu Gia - Thu Bồn lại gấp đôi so với sông Trà Khúc, điều này rõ ràng tạo ra sự bất lợi lớn cho việc ứng phó lũ lụt ở khu vực hạ lưu.
Phân tích về vận hành liên hồ chứa theo Quy trình 1865, TS. Lê Hùng - đến từ Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, quy trình hiện không quy định những trận lũ đầu mùa nên các hồ chứa thường tận dụng tích trữ hết lưu lượng nước ở các trận lũ đầu mùa.
Bên cạnh đó, trong năm 2023 các hồ chứa như A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4 đã vận hành đưa mực nước hồ nằm xa mực nước quy định trong biểu đồ Quy trình 1865 khiến vùng hạ du hết sức chật vật và thiếu nước.
Trong khi đó, phía đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện cho hay cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi (đơn vị quản lý, vận hành nhà máy thủy điện Đăk Mi 4), đặc trưng địa hình lưu vực hồ chứa Đăk Mi 4 có độ dốc lớn, hệ số tương quan giữa lưu vực và dung tích hữu ích là rất lớn nên lũ về hồ tăng nhanh, tốc độ gia tăng mực nước hồ lớn, đặc trưng lũ về hồ hình răng cưa nên khó xác định được đỉnh lũ.
“Theo quy định của Quy trình 1865, khi có dự báo mưa lũ trên lưu vực thì phải hạ mực nước hồ về cao trình đón lũ thấp nhất (+251m) nhưng qua thực tế vận hành, ở nhiều thời điểm mưa phân bố không đồng đều trên cả lưu vực, chưa kể có năm lũ kết thúc sớm, nên hồ chứa Đăk Mi 4 cũng phải đối diện nguy cơ không tích đủ nước đến mực nước dâng bình thường phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho năm sau” - ông Bình nói.
Một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đáng kể đến việc vận hành liên hồ chứa theo Quy trình 1865 được phía các thủy điện đề cập như: ảnh hưởng của đô thị hóa và các công trình ở khu vực hạ du đến tiêu thoát lũ; vấn đề huy động phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng; số liệu quan trắc quy định không đồng nhất về tần suất quan trắc ngoài quy định của quy trình 1865…
Cần điều chỉnh sát thực tế
Theo đề xuất của chuyên gia, khi chưa có một đầu mối điều phối chính thức, rất cần có sự điều chỉnh với một số điều/khoản trong Quy trình 1865.
Cụ thể, cần bổ sung quy định nếu lưu lượng 2/4 hồ chứa (Sông Tranh 2, Sông Bung 4, A Vương, Đăk Mi 4) đạt mực nước quy định lưu lượng cho phép thì linh hoạt theo tình hình dự báo mưa lũ của cơ quan khí tượng thủy văn có thể chuyển trạng thái 2 hồ còn lại sang trạng thái cắt giảm lũ nếu dự báo mưa có xu hướng giảm.
Ngoài ra, qua thực tế nhiều năm vì có độ trễ truyền lũ giữa thượng nguồn và hạ du nên tùy tình hình trận lũ có thể thay từ “trung bình cộng” mực nước ở Hội Khách, Ái Nghĩa, Nông Sơn, Câu Lâu bằng “khoảng nằm giữa báo động 1 đến báo động 2” thì cho phép cắt giảm lũ thay vì giữa báo động 2 đến báo động 3 như hiện tại.
Không chỉ mùa mưa lũ, trong thời điểm hạn hán cũng cần nghiên cứu điều chỉnh quy trình. Theo TS. Lê Hùng, cần bổ sung quy định các chủ hồ xây dựng kế hoạch phát điện dự kiến từ đầu năm khi đã có được mực nước hồ cuối mùa lũ và các chủ hồ chứa điều tiết báo cáo kết quả phát điện dự kiến hàng tháng gửi cho hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng để chủ động góp ý, điều chỉnh kịp thời nếu có vấn đề.
“Cần áp dụng xử phạt khi các hồ chứa thủy điện vận hành không đúng theo Quy trình 1865 để tăng tính răn đe, cái này đã có trong quy định và ở một số địa phương khác cũng đã tiến hành.
Một chuyện cấp thiết khác là phải sớm xây dựng bản đồ ngập lụt, cái này rất quan trọng với Quảng Nam - Đà Nẵng mà nếu không triển khai sớm thì chỉ vài năm nữa sẽ rất khó có thể xây dựng được vì sự phát triển của các công trình sẽ làm biến đổi mạnh bản đồ ngập lụt, rất khó cập nhật chính xác” - TS. Lê Hùng nói.
Trên toàn quốc có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, trong đó Vu Gia - Thu Bồn có diện tích lưu vực 10.350km², thuộc một trong 10 hệ thống sông lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là hệ thống sông có tổng lượng mưa trung bình lưu vực lớn nhất nước ta với lượng mưa trung bình nhiều năm đạt 2.700mm.
Trong thỏa thuận phối hợp được ký kết từ năm 2016, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã thống nhất về tầm quan trọng thiết yếu và lâu dài của tài nguyên nước lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an toàn sinh thái, môi trường liên quan đến quản lý tổng hợp lưu vực.
Quảng Nam - Đà Nẵng thống nhất chia sẻ thông tin, khuyến khích hợp tác giữa các ban, ngành, doanh nghiệp trên cùng địa bàn, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư trong vùng, các Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, di sản.
Theo kết quả dự báo nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có nhu cầu sử dụng nước lớn nhất - khoảng 790 triệu m³/năm (chiếm khoảng 0,65% nhu cầu nước toàn quốc).
Hiện trên toàn lưu vực có 40 dự án thủy điện, trong đó có 37 dự án thủy điện có công suất 2MW trở lên. Tỷ lệ khai thác tài nguyên nước trong mùa khô (không tính tích nước thủy điện) trên lưu vực đạt khoảng 15%, được xếp vào mức độ căng thẳng thấp về mức độ căng thẳng nước giai đoạn 2016 - 2030.