Chính sách hỗ trợ đầu tư khu xử lý chất thải rắn: Nhiều hạn chế cần giải quyết
Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030 được triển khai đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư và địa phương nào được thụ hưởng. Nguyên nhân do đâu?
Chưa tiếp cận chính sách
Tại Nghị quyết 70 ngày 8/12/2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh thống nhất bố trí 95 tỷ đồng triển khai thực hiện Nghị quyết 01 giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy vậy, qua rà soát thực tế triển khai các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn cũng như nhu cầu kinh phí để hỗ trợ cho các dự án, tại Nghị quyết 28 ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh điều chỉnh giảm vốn thực hiện Nghị quyết 01 xuống còn 54,9 tỷ đồng. Trong 3 năm 2021 - 2023, Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh bố trí 20 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết 01. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thực hiện phân bổ và giải ngân nguồn vốn này.
Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh với quy mô công suất lớn, công nghệ hiện đại. Tuy vậy, qua quá trình nghiên cứu đầu tư, việc đề xuất đơn giá thu gom, xử lý của các dự án này khá cao, không đáp ứng được theo quy định của tỉnh.
Ngoài ra, một số khu vực được đề xuất thực hiện dự án xử lý chất thải rắn vướng quy hoạch lâm nghiệp và đang chờ ý kiến của Bộ NNN&PTNT. Do vậy, mặc dù đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các dự án triển khai trên thực tế vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Ở huyện Nông Sơn, Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung tâm huyện được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2019 với diện tích 2,1ha tại Phước Viên (thị trấn Trung Phước, Nông Sơn) đến nay không đáp ứng được nhu cầu, quá tải.
Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện thực hiện quy hoạch, đầu tư mở rộng Khu xử lý rác trung tâm huyện với quy mô 5ha đã được UBND tỉnh phê duyệt và xúc tiến các thủ tục kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên không có doanh nghiệp nào muốn đầu tư bởi họ cho rằng sẽ không lợi nhuận sau đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói: “Địa phương mong mỏi tiếp cận Nghị quyết 01 để có nguồn lực đầu tư khu xử lý rác thải trung tâm huyện, tránh ùn ứ rác trong thời gian đến”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có 1 doanh nghiệp và 1 địa phương đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết 01 là Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco và UBND huyện Nam Trà My. Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco đề xuất hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình phụ trợ nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam (gồm tuyến đường nội bộ và hệ thống điện chiếu sáng) với mức vốn 7,5 tỷ đồng.
Dự án trên đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư (tại Công văn số 8867/UBND-KTN ngày 10/12/2021) theo hướng là dự án độc lập nhưng được xem là thành phần của dự án nhà máy xử lý chất thải rắn Bắc Quảng Nam. Dự án do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco tự bỏ vốn để đầu tư, được tính vào chi phí đầu tư của dự án và không được hưởng ưu đãi theo Nghị quyết 01.
UBND xã Trà Don (Nam Trà My) đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư khu xử lý rác thải với mức 5 tỷ đồng nhưng không tiếp cận được.
Ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết do chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục hỗ trợ cho các dự án và cho địa phương dẫn đến lúng túng, Sở KH-ĐT không thể tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn. Hiện nay, Sở KH-ĐT xem xét đề nghị của UBND huyện Nam Trà My và dự kiến bố trí vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện.
Quy định hỗ trợ chưa rõ ràng?
Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, sở đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc triển khai Nghị quyết 01 báo cáo và được UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư cho các dự án xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được duyệt, hỗ trợ cho các địa phương không tự chủ về kinh phí để đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn; hướng dẫn các địa phương về thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 01. Tuy nhiên đến nay còn bỏ ngỏ.
Theo ông Trần Văn Ẩn, các nội dung quy định tại Nghị quyết 01 chưa cụ thể dẫn đến việc triển khai thực hiện còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. Chưa quy định rõ quy trình, hồ sơ thủ tục hỗ trợ đầu tư cụ thể cho từng dự án, địa phương dẫn đến lúng túng đối với cơ quan chức năng trong quá trình phân bổ nguồn vốn để thực hiện.
Tại điểm c, khoản 1, Điều 4 của Nghị quyết 01 có nêu “hỗ trợ % kinh phí xây dựng các tuyến đường vào khu xử lý rác thải theo tiêu chuẩn đường đạt chuẩn nông thôn mới đối với khu xử lý cấp huyện”.
Điều cần thiết là phải phân định rõ tiêu chuẩn đường đạt chuẩn nông thôn mới là tiêu chuẩn gì (cấp mấy, tỷ lệ cứng hóa...). Nghị quyết 01 tại điểm b khoản 5 Điều 3 quy định phương thức hỗ trợ đối với xã: “ngân sách nhà nước hỗ trợ… sau khi được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định”. Do chưa cụ thể dẫn đến lúng túng cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
“Trên thực tế, hiện nay một số địa phương chỉ quan tâm đề xuất hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ dân sinh theo Nghị quyết 01. Tuy nhiên, thời điểm hỗ trợ đầu tư được thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, và nội dung hỗ trợ phải xác lập hồ sơ, được cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở hỗ trợ. Do vậy, đến nay địa phương mới chỉ đề xuất số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết, trong khi chưa xác lập hồ sơ đối với các hạng mục hỗ trợ trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt” - ông Ẩn nói.
Theo Sở KH-ĐT, thời gian qua tuyên truyền về Nghị quyết 01 cho các địa phương có khu xử lý chất thải rắn chưa được quan tâm nên nhiều địa phương có khu xử lý chất thải rắn chưa tiếp cận và đề xuất nhu cầu hỗ trợ đầu tư.
Ông Trần Văn Ẩn đề xuất, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở TN-MT sớm điều chỉnh, bổ sung các nội dung về trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư dự án tại Nghị quyết 01. Cần tuyên truyền hiệu quả hơn về Nghị quyết 01 để các địa phương, các nhà đầu tư tiếp cận, thụ hưởng.