Khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An: Nâng cao năng lực thích ứng
Được đánh giá cao về công tác bảo tồn và phát triển nhưng sau 14 năm (26/5/2009 - 26/5/2023) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm - Hội An vẫn tiềm ẩn nhiều biến động đáng lo ngại.
Nhận diện biến động, thách thức
Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An là một đặc sản quý tồn tại từ lâu ở khu sinh quyển và đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý vào năm 2021. Yến sào không chỉ có giá trị cao về mặt kinh tế mà còn là một chỉ dấu đặc sắc về đa dạng sinh học của vùng đất này.
Tuy nhiên thời gian qua chim yến ở khu sinh quyển đang có dấu hiệu suy giảm về sản lượng tổ. Thống kê cho thấy cả về tổng đàn và doanh thu từ khai thác yến Cù Lao Chàm đã giảm khoảng 50% so với 10 năm trước.
Một tổ hợp các nguyên nhân về sự sụt giảm này được lý giải từ cơ quan chức năng như việc mở rộng nuôi yến ở đất liền, chưa có phương pháp khoa học để phục hồi sản lượng, người dân khai thác chưa đúng kích thước tổ… Điều này dẫn đến nguồn doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng cũng như tác động đến cân bằng hệ sinh thái.
Một thành viên của tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm cho biết, dù được bảo tồn khá bài bản nhưng nguy cơ suy giảm về cua đá vẫn tiềm ẩn. Ngoài tác động từ môi trường thì việc số lượng thành viên được khai thác cua đá đã tăng từ 18 người lên 50 người sau 10 năm cũng tạo ra áp lực đáng kể.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng TN-MT Hội An cho biết, nếu tính rộng ra toàn bộ phạm vi khu sinh quyển thì khu vực này đang đối mặt với rất nhiều áp lực về môi trường như chất lượng nguồn nước suy giảm, quá tải rác thải (chỉ có 40% tổng lượng rác thải được xử lý), ngoài ra là nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, bụi mịn…
Tăng khả năng thích ứng
Ông Lê Ngọc Thảo - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, những vấn đề biến động trong Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An là tất yếu bởi sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như biến đổi khí hậu. Do đó, các chủ thể trong phạm vi khu sinh quyển cần nhận diện biến động để thích ứng về lâu dài hơn là chống chịu.
Những nhóm giải pháp chính để thích ứng được cộng đồng dân cư đề cập trong buổi đối thoại mới đây nhân kỷ niệm 14 năm UNESCO công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới có thể kể đến như tuân thủ khai thác đúng mùa vụ; tăng cường các nghiên cứu đánh giá, khảo sát xã hội học; bảo tồn cảnh quan các hệ sinh thái, vùng đất ngập nước…
Trong khi đó các chuyên gia thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Plymouth (Vương quốc Anh) của Chương trình nghiên cứu GCRF cộng đồng xanh khuyến cáo, cần cải tiến hơn nữa công tác quản trị để đảm bảo hài hòa lợi ích cạnh tranh về không gian và tài nguyên biển.
Bên cạnh đó cần tăng cường quản lý, giám sát việc thực thi các chính sách về môi trường cũng như nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển “xanh” để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho hay, nhiều vấn đề biến động ở khu sinh quyển này rất cần có những nghiên cứu khoa học để tiến hành bảo tồn, phát triển phù hợp trong từng giai đoạn.
Dù vậy với nguồn lực, kỹ thuật còn hạn hẹp, địa phương rất cần sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, các ngành chức năng cũng như các tổ chức để khu sinh quyển này tiếp tục phát triển bền vững.