Doanh nghiệp bảo vệ môi trường bằng tái chế rác nhựa

HOÀNG ĐẠO 08/12/2022 15:16

(QNO) – Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp (Cụm công nghiệp Phú Mỹ, đóng tại xã Tam Phước, Phú Ninh) thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường từ việc thu mua rác thải nhựa và tái chế.

Trước nỗi lo về rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, ông Lê Văn Trọng đã thu gom các khay nhựa hư hỏng ở Trà Linh và tái chế làm nên rổ trồng sâm. Ảnh: H.Đ
Trước nỗi lo về rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, ông Lê Văn Trọng đã thu gom các khay nhựa hư hỏng ở Trà Linh và tái chế làm nên rổ trồng sâm. Ảnh: H.Đ

Mô hình "đổi 3 lấy 1"

Trong những chuyến hành trình cùng đối tác lên các vườn sâm ở Nam Trà My để mở rộng ngành nghề kinh doanh, ông Lê Văn Trọng - CEO Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp cảm thấy ray rứt khi những chiếc khay nhựa hư hỏng sau khi trồng sâm bị người dân vứt bỏ, giẫm nát trong rừng.

Những khay nhựa vốn là các giỏ đựng trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc với thành phần, chất lượng nhựa khá xấu, vật dụng đó sử dụng để trồng sâm chỉ thời gian ngắn là hư hỏng, bỏ hết lại môi trường. Chính vì vậy công ty đã cho ra sản phẩm rổ nhựa với chất liệu đảm bảo về chất lượng và mẫu mã phù hợp với nhu cầu sử dụng. Kèm theo đó là chính sách thu hồi những sản phẩm hư hỏng lấy sản phẩm mới.

“Tôi xót xa lắm vì lo một ngày rừng tự nhiên sẽ ô nhiễm bởi việc sử dụng sản phẩm nhựa để trồng sâm rồi thải ra ngoài môi trường mà không có sự kiểm soát. Nên quyết định làm sản phẩm rổ nhựa trồng sâm và cứ 3 khay nhựa cũ, hư hỏng sẽ đổi lại 1 cái rổ trồng sâm mới cho người dân” – ông Trọng chia sẻ.

Những chiếc rổ trồng sâm này có độ bền, chất lượng nhựa tốt gấp nhiều lần các khay nhựa Trung Quốc dùng để đựng trái cây mà người trồng sâm tận dụng. Ảnh: H.Đ
Những chiếc rổ trồng sâm này có độ bền, chất lượng nhựa tốt gấp nhiều lần các khay nhựa Trung Quốc dùng để đựng trái cây mà người trồng sâm tận dụng. Ảnh: H.Đ

Từ đó mô hình "đổi 3 đổi 1” dành cho người trồng sâm được áp dụng. Ông Lê Văn Trọng cùng các nhân viên công ty, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My đã đi khảo sát, lấy ý kiến và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Song song với phương án trên, công ty cũng đưa ra kế hoạch thu hồi những sản phẩm nhựa kém chất lượng có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường cao còn đang tồn đọng tại địa phương.

“Có hai điều để người dân chịu làm đó là chứng minh cho họ thấy việc thu cũ đổi mới này sẽ hạn chế tối thiểu rác thải nhựa bị chôn vùi trong môi trường tự nhiên, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến trồng cây sâm Ngọc Linh. Thứ hai là mình đổi lại rổ nhựa với chất lượng tốt gấp nhiều lần khay nhựa của Trung Quốc về độ dẻo, chịu lực cao và thời gian sử dụng lâu dài”  – ông Trọng nói.

Nhà máy công nghiệp hỗ trợ Kim Tự Tháp - nơi tạo ra những sản phẩm từ rác thải nhựa. Ảnh: H.Đ
Nhà máy công nghiệp hỗ trợ Kim Tự Tháp - nơi tạo ra những sản phẩm từ rác thải nhựa. Ảnh: H.Đ

Tuy nhiên, điều băn khoăn của doanh nghiệp này là tỉnh chủ trương trong thời gian đến chấm dứt việc sử dụng các vật liệu xây dựng không thân thiện với môi trường và quy định rõ chỉ được sử dụng vật liệu không thân thiện cho phép ở mức độ nào, giai đoạn nào, phạm vi nào, quy định danh mục một số vật liệu thân thiện có thể thay thế trong việc trồng và quản lý bảo vệ sâm Ngọc Linh.

“Trong khi chờ Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh lại các quy định có liên quan đến việc hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh (gồm quy định các biện pháp mới, các biện pháp chuyển tiếp cho phù hợp canh tác, làm luống, mái che, sử dụng vật liệu…, thì chúng tôi đưa ra giải pháp tạm này như cách để góp phần bảo vệ môi trường rừng khi giảm thiểu tối đa được việc thải nhựa ra môi trường” – ông Lê Văn Trọng đề xuất.

[VIDEO] - Nhà máy tái chế rác thải nhựa với dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn:

Một sản phẩm được làm ra từ bao nhãn mác của các loại nước đóng chai, nước giải khát. Ảnh: H.Đ
 Một sản phẩm nhựa được sản xuất từ công ty Kim Tự Tháp. Ảnh: H.Đ

Tái chế rác bao bì

Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan về nhựa, ông Lê Văn Trọng luôn tìm kiếm hướng đi mới mẻ gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường. “Những bao nhãn mác chai nhựa của các loại nước đóng chai, nước giải khát… thay vì bỏ đi thì công ty chúng tôi thu mua đem về tái chế để không lãng phí tài nguyên, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường” – ông Trọng cho biết.

Gần đây nhất, từ phương pháp rác thải nhựa tái chế, giải pháp về sản phẩm hồ nuôi tôm bằng nhựa được thiết kế và đăng ký bản quyền của Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp đang thi công thí điểm tại Thăng Bình cũng là một cách làm hay để giúp người nuôi trồng thủy sản tiết kiệm chi phí.

Ông Nguyễn Tấn Báu (bên trái) chọn loại hồ nuôi tôm bằng nhựa vì tối ưu chi phí, tính cơ động cao và sau khi không sử dụng sẽ được phía Công ty Kim Tự Tháp thu đổi để tái chế thay cho việc thải bỏ vào môi trường. Ảnh: H.Đ
Ông Nguyễn Tấn Báu (bên trái) chọn loại hồ nuôi tôm bằng nhựa vì tối ưu chi phí, tính cơ động cao và sau khi không sử dụng sẽ được phía Công ty Kim Tự Tháp thu đổi để tái chế. Ảnh: H.Đ

Khi nắm được thông tin Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp cung cấp mô hình nuôi tôm bằng hồ nhựa, ông Nguyễn Tấn Báu (thôn Lạc Câu, xã Bình Dương, Thăng Bình) đã quyết định xây hồ bằng vật liệu nhựa thay thế hồ bê tông vì sẽ tiết kiệm gần một nửa kinh phí xây dựng.

Ông Báu nói: “Xây dựng 1 hồ bằng nhựa có diện tích mặt nước 220m2 chỉ mất khoảng 60 triệu đồng, còn làm hồ bê tông tốn gần cả trăm triệu đồng. Điều quan trọng tôi khá ưng ý khi nuôi bằng hồ nhựa lắp ghép, thi công nhanh đáp ứng kịp thời nhu cầu mùa vụ, dễ kiểm soát về chất thải đáy hồ, sinh vật ngoại lai và các yếu tố khác của nước hồ và dễ dàng tháo ráp qua vị trí khác khi cần thiết. Thời gian đến, tôi sẽ lấp ao, lắp thêm 3 hồ nhựa mới với diện tích khoảng 1.500m2".

Mô hình hồ nuôi tôm lắp ghép bằng nhựa tái chế đang là hướng đi chủ đạo của Công ty Kim Tự Tháp với triết lý kinh doanh đồng hành bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Đ
Mô hình hồ nuôi tôm lắp ghép bằng nhựa tái chế sẽ giúp bảo vệ môi trường. Ảnh: H.Đ

“Hiện công ty chúng tôi đang tìm kiếm thị trường và phối hợp với các đối tác ngoài tỉnh về sản phẩm hồ nuôi tôm bằng nhựa này để tiết kiệm cho người nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, công ty vẫn áp dụng chính sách "3 đổi 1" để hạn chế rác thải. Đây là hướng đi chiến lược của Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp để cung cấp giải pháp nuôi trồng hiệu quả vừa góp phần bảo vệ môi trường” (CEO Lê Văn Trọng)

[VIDEO] - Mô hình hồ nuôi tôm bằng nhựa của Công ty TNHH MTV Kim Tự Tháp:


HOÀNG ĐẠO