Đẩy tiến độ các dự án xử lý rác

THÀNH CÔNG 01/11/2022 07:40

Hiệu ứng từ sự tham gia của một số nhà máy xử lý rác mới, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng tâm về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện đề án quản lý chất thải rắn đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Việc thu gom rác thải được đánh giá đang đần đi vào nền nếp. Ảnh: T.C
Việc thu gom rác thải được đánh giá đang đần đi vào nền nếp. Ảnh: T.C

Dần đi vào nền nếp

Theo ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở TN-MT, ở khu vực đồng bằng, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp tập trung với 3 bãi chôn lấp chính do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vận hành, xử lý phục vụ cho 10 huyện, thị xã, thành phố.

Trong đó, khu xử lý rác thải Tam Nghĩa (Núi Thành) có quy mô 5,2ha, phục vụ xử lý cho địa bàn Núi Thành và một phần rác thải TP.Hội An. Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) có quy mô 22,5ha và khu xử lý rác thải Đại Hiệp quy mô 11,2ha phục vụ cho các địa bàn còn lại. Tuy nhiên, khu xử lý rác thải Đại Hiệp đã dừng hoạt động từ ngày 1/7 vừa qua.

Tại TP.Hội An, bên cạnh nhà máy xử lý rác thải làm phân compost tại xã Cẩm Hà thu gom khoảng 20 tấn rác thải dễ phân hủy mỗi ngày (khoảng 36% tổng lượng rác thải thu gom), thành phố đang phải xử lý tại chỗ khoảng 4,5 tấn rác thải/ngày tại xã đảo Tân Hiệp.

Lò đốt CTRSH công suất 96 tấn/ngày đêm ở địa phương này hiện đã dừng hoạt động và đang thực hiện thủ tục đầu tư dự án mới với công suất dự tính 120 tấn/ngày đêm, song tiến độ triển khai được đánh giá còn chậm. Tại các huyện miền núi, các bãi rác quy mô nhỏ phục vụ cho các xã vùng trung tâm của huyện, trừ Nam Trà My chưa đầu tư bãi chôn lấp hợp vệ sinh, vẫn còn xử lý tại các bãi rác tạm.

Bên cạnh các khu xử lý hiện hành, tỉnh cũng đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác mới. Ảnh: T.C
Bên cạnh các khu xử lý hiện hành, tỉnh cũng đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác mới. Ảnh: T.C

“Tổng khối lượng CTRSH thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh năm 2021 là hơn 263.000 tấn, tương đương hơn 720 tấn/ngày. Nhìn chung, công tác quản lý CTRSH ngày càng đi vào nền nếp, góp phần giải quyết CTRSH phát sinh trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, xóa bỏ được nhiều điểm rác công cộng tự phát.

Ý thức người dân được nâng cao, các khu dân cư xanh, sạch đẹp hơn, nguồn lực đầu tư xử lý CTRSH cũng đã được chú trọng, trong đó có sự tham gia đáng kể của các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở xử lý CTRSH.

Đáng chú ý như huyện miền núi Bắc Trà My đã tìm được nhà đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư của dự án nhà máy phân loại và xử lý CTRSH với công suất 55 tấn rác/ngày.

Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Quyết định phê duyệt đề án quản lý CTRSH của UBND tỉnh nhằm chủ động trong công tác xử lý rác thải tại địa phương” - ông Toàn cho hay.

Nhiều dự án cấp bách

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai một số dự án mang tính cấp bách để xử lý môi trường, như: dự án đầu tư hệ thống thu gom nước mặt Khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành); dự án thực hiện đóng cửa Khu chứa và xử lý rác thải Đại Hiệp; dự án Khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam...

Đáng chú ý là việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiến tiến, như: nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam có công suất thiết kế 300 tấn/ngày đêm do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư (đã đi vào hoạt động); dự án nhà máy xử lý CTRSH Hội An có công suất 120 tấn/ngày do Công ty CP Đầu tư môi trường và phát triển năng lượng DMC-579 Quảng Nam làm chủ đầu tư (đã xong thủ tục về xây dựng và chính thức tổ chức thi công xây dựng nhà xưởng). Các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để vấn để rác thải sinh hoạt, đáp ứng được nhu cầu xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc làm việc với Sở TN-MT cùng các địa phương, chủ đầu tư các dự án do UBND tỉnh tổ chức tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định tỉnh đang rất quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai các dự án xử lý CTRSH nhằm giải quyết bài toán rác thải, tránh tái diễn cuộc khủng hoảng rác thải đã từng xảy ra những năm qua.

Đối với hoạt động của các nhà máy xử lý CTRSH Bắc Quảng Nam, ông Trần Văn Tân yêu cầu Công ty CP môi trường Huy Hoàng Eco thực hiện kết nối dữ liệu camera về các cơ quan, địa phương để việc theo dõi, giám sát giao nhận CTRSH được thông suất, thuận lợi, phục vụ quá trình vận hành và lưu trữ dữ liệu cho giám sát, thanh tra, kiểm tra và thanh quyết toán theo đúng quy định. Kết nối dữ liệu, camera trực tuyến cũng sẽ được áp dụng khi các nhà máy, khu xử lý CTRSH trọng điểm hoàn thành, đưa vào vận hành.

“Người dân phải được biết đầy đủ các thông tin. Địa phương phối hợp với chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về các khu xử lý cho nhân dân, chủ động đối thoại, lắng nghe, giải thích vận động cho người dân đồng thuận, xây dựng lộ trình cụ thể, chặt chẽ để tập trung triển khai.

Tinh thần phải hết sức khẩn trương, đảm bảo sự đồng thuận từ phía người dân. Đối với các dự án trọng điểm, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống, phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Các huyện miền núi cũng cần rà soát, nhanh chóng triển khai các phần việc liên quan trong đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - ông Trần Văn Tân yêu cầu.

THÀNH CÔNG