Trồng cây xanh làm lành cùng tự nhiên: Chữa lành những tổn thương

SONG ANH 30/10/2022 05:12

Không gì giúp chữa lành tổn thương âm ỉ của những vùng đất và tăng sức đề kháng cho các “lá phổi” khu bảo tồn bằng phương pháp thuận tự nhiên là nhân lên màu xanh cây rừng.

Đường vào Di sản văn hóa Mỹ Sơn rợp bóng cây xanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường vào Di sản văn hóa Mỹ Sơn rợp bóng cây xanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

“Vá” những vùng đất tổn thương

Mùa mưa vẫn đang tiếp diễn. Nhưng người dân ở thôn Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) và xã Cẩm Kim (Hội An) từ mấy năm nay đã vơi bớt nỗi lo sạt lở. Thay vì mỗi năm mất vài héc ta đất nông nghiệp trôi theo “hà bá”, phần lớn cánh rừng bần non (lớp ngoài cùng của hệ sinh thái kè mềm) được ươm trồng đã ngã rạp xuống để che chở cho đất ở lại. Cùng với đó, các lớp cỏ bản địa cùng phi lao ở phía sau đã hiệp lực để âm thầm chữa lành tổn thương cho dải đất mong manh này.

Những gốc cây cắm xuống, có cây ngã rạp, cây vươn lên nhưng ít nhất 17ha (trước năm 1975 có khoảng hơn 50ha) đất tự nhiên còn lại của làng Triêm Tây giờ đây không còn bị “ngoạm” đi theo con nước. Bà Nguyễn Thị Anh Đào - Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, đơn vị hỗ trợ thực hiện kè sinh thái ở Cẩm Kim và Triêm Tây cho hay, có thể nói các tuyến kè này đã tạm gọi là thành công ở mức độ giữ được đất và phục hồi hệ sinh thái khá ổn. 

Xã Tam Giang (Núi Thành) từng đối mặt với nguy cơ “trắng” rừng ngập mặn vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Biết rằng, chỉ có cây rừng mới giữ được đất, được làng, không ai bảo ai, những người dân lần mò đi mót từng gốc bần để gây giống. Từng cánh rừng dần sinh sôi trở lại được khoảng 30ha.

Tăng đề kháng cho khu bảo tồn

Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử Mỹ Sơn qua thời gian càng rợp bóng rừng xanh. Với khoảng hơn 1.100ha rừng tự nhiên được gìn giữ và phát triển tốt, hiện trong khu bảo tồn có 37 loài thú sinh sống, trong đó có một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho rằng, chính những mảng rừng xanh được vun đắp cùng với kết cấu địa hình độc đáo đã tạo nên thung lũng thần linh Mỹ Sơn. Và rừng ở Mỹ Sơn vừa là mảng xanh bổ sung làm giàu giá trị cho di tích đồng thời cũng là hàng rào bảo vệ các công trình kiến trúc ngăn ngừa sự tác động của thiên tai và con người.

Hay tại Cù Lao Chàm (Hội An) ngoài việc trồng bổ sung cây ngô đồng cùng một số loài cây đặc trưng xứ đảo để phục hồi những thảm rừng bị sạt lở qua mỗi mùa mưa bão thì tại khu sinh quyển này còn thường xuyên “trồng rừng dưới biển” - bảo tồn và nhân rộng những rạn san hô và thảm cỏ biển.

Theo phương án bảo vệ môi trường tại dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ thành lập mới 6 khu bảo tồn gồm: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc chà vá chân xám Tam Mỹ Tây, Khu dự trữ thiên nhiên lim xanh, Khu bảo vệ cảnh quan chiến thắng Núi Thành, Khu bảo vệ cảnh quan lịch sử văn hóa Nam Trà My, Khu bảo tồn đất ngập nước hạ lưu sông Thu Bồn - sông Trường Giang và Khu bảo tồn biển Tam Hải - Tam Tiến.

Những “lá phổi xanh” trên khắp xứ Quảng ngày càng được nhận diện rõ ràng hơn. Bảo tồn, vun đắp cho những khu vực này cũng là chăm chút cho chính tương lai của con người, quê xứ…

SONG ANH