Trồng cây xanh làm lành cùng tự nhiên: Phục hồi hệ thống sinh thái

THÀNH CÔNG 30/10/2022 05:08

Hơn 51 triệu cây xanh, trong đó có hơn 48 triệu cây xanh phân tán là con số được đưa ra trong kế hoạch triển khai trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, nằm trong chương trình “Trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Trồng cây phù hợp với đặc trưng bản địa và có thể chống chịu với biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.T
Trồng cây phù hợp với đặc trưng bản địa và có thể chống chịu với biến đổi khí hậu. Ảnh: Q.T

Cây xanh trong không gian sống

Không gian sống, bao gồm diện tích đất trống xung quanh vườn nhà, bờ ruộng, bờ kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, ven đê, đất trồng xen cây công nghiệp, đường giao thông nông thôn, khu dân cư, đất đồi gò, đất trống trong vườn hộ gia đình... là những vị trí được nhiều địa phương lựa chọn cho việc thực hiện trồng cây phân tán theo chủ trương chung.

Mới đây, Núi Thành tiếp tục là địa phương được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án trồng cây phân tán, với mục tiêu trồng 50.000 cây xanh gồm giổi xanh, gáo vàng, lim xanh, sao đen tại 12 xã, thị trấn của huyện. Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành sẽ hỗ trợ cây giống cho 238 hộ gia đình sinh sống tại 12 xã, thị trấn trên địa bàn.

Trước đó, hàng loạt địa phương như Duy Xuyên, Thăng Bình, Bắc Trà My, Đông Giang, Nông Sơn… cùng với Vườn quốc gia Sông Thanh đã bắt tay triển khai công tác phục vụ trồng cây sau khi đề án được phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trồng cây tại một sự kiện ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Q.T
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trồng cây tại một sự kiện ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Q.T

Theo kế hoạch đặt ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ trồng hơn 48,2 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn; trồng hơn 3,36 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất. Yêu cầu đặt ra là việc trồng cây xanh phải phù hợp với điều kiện sinh thái, quy hoạch và quỹ đất hiện có của từng địa phương, đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt từ 75% trở lên.

Tháng 5/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, dự án hướng tới mục tiêu lan tỏa phong trào trồng cây xanh, trồng rừng đến các ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức. Đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của cây xanh, của rừng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao độ che phủ rừng của tỉnh, thúc đẩy quá trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Hoạt động này còn giúp tạo nguồn gỗ làm nhà ở các huyện trung du, miền núi của tỉnh, hạn chế khai thác gỗ từ rừng tự nhiên; nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thu hoạch gỗ và lâm sản từ cây trồng, góp phần ổn định cuộc sống vùng trung du, miền núi của tỉnh.

Chung tay ứng phó biến đổi khí hậu

Trồng cây, gây rừng là một trong những biện pháp nhằm tăng cường tính thích ứng, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, gánh chịu những thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, hơn ai hết, địa phương này hiểu được vai trò, ý nghĩa của hoạt động trồng cây, gây rừng.

Lãnh đạo tỉnh trồng cây tại Vườn Quốc gia Sông Thanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Ảnh: T.C
Lãnh đạo tỉnh trồng cây tại Vườn Quốc gia Sông Thanh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Ảnh: T.C

“Nhiều năm qua, bằng các nguồn lực khác nhau, Phước Sơn đã triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng như chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng, dự án Trường Sơn Xanh…

Đề án trồng mới một tỷ cây xanh giúp gia tăng nguồn lực, giúp phủ xanh hơn 200ha rừng nghèo kiệt, rẫy cũ, giúp làm giàu rừng, tăng độ che phủ, tạo cảnh quan, điểm nhấn phục vụ nhiều mục tiêu với các loại cây có giá trị cao như cây ươi, giổi, lim… Hơn 10 nghìn cây ươi cùng với 20 nghìn cây giổi nếp đã được trồng và sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tiếp theo” - ông Điểm nói.

Nhiều kỳ vọng được đặt ra từ chương trình trồng cây phân tán. Không dừng lại ở việc triển khai theo kế hoạch phê duyệt ở từng địa phương, mục tiêu của chương trình trồng một tỷ cây xanh là tạo những chuyển biến trong ứng xử với tự nhiên, khuyến khích người dân, các đơn vị, trường học hưởng ứng phong trào trồng cây ngay từ không gian sống, học tập, làm việc của mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói, kể từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, thúc đẩy triển khai các giải pháp phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

“Việc đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình trồng mới một tỷ cây xanh, tăng cường công tác bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn là một trong những giải pháp bền vững nhằm bảo vệ môi trường, tạo lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Đây còn là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng bộ tiêu chí sống xanh trong cộng đồng, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của mỗi người dân” - ông Tân nhấn mạnh.

THÀNH CÔNG