Quản lý, phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ
(QNO) - Chiều nay 26/10, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An chủ trì hội thảo tổng kết dự án “Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ ở Việt Nam” do cơ quan Tài nguyên thủy sản Hàn Quốc (FIRA) tài trợ.
Dự án "Thiết lập mô hình quản lý và phát triển nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ ở Việt Nam” đã khảo sát, đánh giá được các điều kiện kỹ thuật như dòng chảy, thủy triều, nhiệt độ… tại vùng biển Cù Lao Chàm, qua đó xác định cấu trúc rạn nhân tạo, địa điểm lắp đặt rạn, phát triển các loài bổ trợ cho rạn nhân tạo.
Trong phạm vi của dự án, 13 cán bộ của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã được đào tạo về quản lý nguồn lợi thủy sản; kỹ thuật xây dựng mô hình rạn nhân tạo; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên trên mô hình rạn nhân tạo; sử dụng thiết thị nghiên cứu biển.
Qua nhiều năm triển khai, đã có 600 cấu trúc rạn nhân tạo được sản xuất và thiết lập tại 4 khu vực xung quanh Rạn Mành và 1 khu vực tại Bãi Xếp tạo tính kết nối giữa sinh cảnh tự nhiên là các rạn san hô, thảm rong biển với khu vực sinh cảnh nhân tạo từ rạn nhân tạo. Qua đó góp phần tạo thêm môi trường sống, các bãi đẻ và ương giống các loài sinh vật biển đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi, tái tạo nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển Cù Lao Chàm.
Qua triển khai dự án, nhiều trang thiết bị nghiên cứu biển như máy quét tầng đáy Sonar, máy quét cầm tay Lowrance, máy đo sâu hồi âm Hypack, thiết bị lặn sâu, máy chụp ảnh dưới nước, máy đo chất lượng nước đa chỉ tiêu đã được cơ quan tài nguyên thủy sản Hàn Quốc tài trợ giúp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện được những nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu vùng biển.
Ông Nguyễn Thế Hùng đánh giá, mặc dù dự án thực hiện trong bối cảnh Covid-19 khiến việc đi lại, trao đổi giữa Việt Nam - Hàn Quốc gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự phối hợp chặt chẽ, đến thời điểm này tất cả hoạt động của dự án đã hoàn thành tốt đẹp, nguồn lợi hải sản tại vùng biển Cù Lao Chàm được phục hồi đáp ứng được kỳ vọng của các bên, nhất là cộng đồng địa phương.