Chủ động thông tin, đối thoại, vận động nhân dân đối với các khu xử lý rác trọng điểm
(QNO) - Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc với Sở TN&MT và đơn vị, địa phương liên quan để nghe báo cáo tình hình thực hiện một số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt vào sáng nay 26/10.
Theo báo cáo, ở khu vực đồng bằng, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp tập trung với 3 bãi chính do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam vận hành, gồm: khu xử lý tại xã Tam Nghĩa, Tam Xuân 2 (Núi Thành) và khu xử lý tại xã Đại Hiệp (Đại Lộc). Tại TP.Hội An có nhà máy xử lý rác thải làm phân compost tại xã Cẩm Hà được thiết kế xử lý 55 tấn rác thải/ngày đêm. Ngoài ra, tại các huyện miền núi có các bãi rác quy mô nhỏ phục vụ cho các xã vùng trung tâm của huyện.
Để đảm bảo xử lý môi trường trên địa bàn, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chủ động trong công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ tiên tiến. Theo đó, tỉnh đang triển khai một số dự án mang tính cấp bách để xử lý môi trường, như: dự án đầu tư hệ thống thu gom nước mặt khu xử lý rác thải Tam Xuân 2, dự án thực hiện đóng cửa khu chứa và xử lý rác thải Đại Hiệp, dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam...
Tỉnh cũng kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác theo công nghệ tiên tiến, như: nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam có công suất thiết kế 300 tấn/ngày đêm do Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư (đã đi vào hoạt động), dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt TP.Hội An có công suất 120 tấn/ngày do Công ty CP Đầu tư môi trường và phát triển năng lượng DMC-579 Quảng Nam làm chủ đầu tư (đã xong thủ tục về xây dựng và chính thức tổ chức thi công xây dựng nhà xưởng). Các dự án này hoàn thành đi vào hoạt động sẽ giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đáp ứng được nhu cầu xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu các ngành, địa phương bám sát các văn bản chỉ đạo liên quan công tác xử lý chất thải rắn, khẩn trương triển khai nhiệm vụ theo các thông báo của UBND tỉnh trước đây. Sở TN&MT theo dõi, đôn đốc các địa phương để triển khai các khu xử lý, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình cho UBND tỉnh.
Đối với các dự án trọng điểm, ông Trần Văn Tân yêu cầu phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đối với các vấn đề nảy sinh. Đồng thời phải chủ động xử lý các sự cố, đảm bảo tiến độ công việc, phấn đấu đến tháng 12/2023 đóng cửa bãi rác Tam Xuân 2. Sở TN&MT phối hợp UBND huyện Đại Lộc và nhà đầu tư báo cáo UBND tỉnh xem xét chọn phương án xử lý rác triệt để tại địa bàn Đại Lộc, đảm bảo các trình tự thủ tục, quy định hiện hành.
Đối với dự án xử lý rác thải Nam Quảng Nam, ông Trần Văn Tân yêu cầu địa phương, các đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin về các khu xử lý cho nhân dân; chủ động đối thoại, lắng nghe, giải thích, vận động để người dân đồng thuận; xây dựng lộ trình cụ thể, chặt chẽ để tập trung triển khai. Việc giám sát thu gom, xử lý rác thải phải được kết nối dữ liệu cập nhật tại từng huyện, đảm bảo đúng quy chế giao nhận rác.
Đối với Hội An, UBND thành phố chuẩn bị các điều kiện, hỗ trợ chủ đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị, máy móc, đặt mục tiêu tháng 6/2023 đưa vào vận hành khai thác khu xử lý rác thải tại Cẩm Hà. Đối với đơn giá thu gom, xử lý chất thải rắn, giao các đơn vị thu gom nghiên cứu đề xuất phương án, lấy ý kiến các sở, ngành để trình UBND xem xét quyết định.