Bảo tồn đa dạng sinh học biển Tam Tiến: Cộng đồng quản lý, bảo vệ
Để bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực biển Bãi Rạn Tam Tiến (rạn Bà Đậu) - Núi Thành, được sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, xã Tam Tiến đã thành lập Tổ cộng đồng xây dựng phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực này.
Suy giảm hệ sinh thái biển
Tam Tiến là xã bãi ngang có bờ biển dài 8km, đặc biệt có rạn Bà Đậu là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng, nơi trú ngụ của các loại sinh vật đặc trưng có giá trị cao như tôm hùm, cá mú, cá hồng, cá chuồn, các loài ốc biển…
Từ năm 2021, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) cùng Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành đánh giá hiện trạng rạn san hô tại hai điểm rạn Khế, rạn Đất (thuộc vùng rạn Bà Đậu). Nhóm khảo sát ghi lại các thành phần nền đáy (san hô cứng, san hô mềm, rong, đá…) và nhóm nguồn lợi sinh vật sống trên rạn (cá, động vật đáy và các tác động).
Kết quả đánh giá, tháng 5.2022 cho thấy, san hô sống có độ phủ trung bình là 29,69% tổng độ phủ nền đáy, thấp hơn kết quả khảo sát năm 2021 gần 1%. Độ phủ san hô cứng đạt giá trị cao ở khu vực rạn Khế (55,63%). Trong khi đó, tại rạn Đất, đá chiếm tỷ lệ phần trăm độ phủ cao hơn (89,38%). Kết quả này tương đồng với kết quả khảo sát năm 2021.
Nhìn chung, thành phần rạn chủ yếu tại các điểm khảo sát đều là đá, tỷ lệ san hô sống, hải miên, rong đều giảm so với năm 2021. Thành phần và mật độ các loài cá rạn nằm trong bộ chỉ tiêu còn ở mức thấp, chỉ tập trung vào một số loài như cá hồng, cá mú, cá dìa..., riêng bàn mai, tôm bác sĩ không còn nữa.
Theo kết quả khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học tại rạn Bà Đậu do Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và MCD thực hiện năm 2021 - 2022, độ phủ rạn san hô tại đây ở mức khá và có khả năng phục hồi, song rạn vẫn bị nhiều áp lực, nhất là hoạt động khai thác thủy sản ven bờ.
Từ kết quả quan trắc định kỳ với sự hỗ trợ của MCD và chuyên gia Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tại rạn Bà Đậu cho thấy, các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá chình không còn xuất hiện. Thành phần động vật đáy kích thước lớn có xu hướng suy giảm, các nhóm nguồn lợi có giá trị thương phẩm như ốc đụn, ốc giấy, tôm hùm còn số lượng rất ít.
Đồng quản lý, bảo vệ
Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tại khu vực Bãi Rạn Tam Tiến do Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu xã Tam Tiến thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu cho biết, tổ triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển thuộc khu vực rạn Bà Đậu, bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái để phát triển kinh tế thủy sản gắn với phát triển du lịch trong thời gian đến, đem lại thu nhập bền vững cho cộng đồng.
Đối tượng cần bảo vệ là hệ sinh thái rạn san hô, bao gồm các loài san hô và thủy sản sống trong khu vực rạn san hô (rong biển, tôm hùm mẹ đang mang trứng, tôm hùm giống, rùa biển, cá cảnh, các loại ốc, con non của các loài thủy sản và một số loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác).
Việc quản lý, bảo vệ vùng rạn san hô rạn Bà Đậu được giao cho Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Tam Tiến thực hiện theo nguyên tắc đồng quản lý được quy định tại điều 10 Luật Thủy sản 2017, trong đó tổ cộng đồng đại diện cho cộng đồng người dân xã Tam Tiến, vận động người dân tham gia cùng với chính quyền trong quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ, du lịch giải trí và các hoạt động có liên quan tại khu vực này.
Tổ chức phân vùng rạn Bà Đậu thành 3 khu vực, gồm khu vực hạn chế khai thác, khu vực khai thác có kiểm soát, khu vực du lịch giải trí. Tiến hành đặt phao tiêu, đánh dấu mốc, khoanh vùng toàn bộ khu vực biển được quản lý và các khu vực, đặt biển báo hoặc cờ hiệu để cộng đồng biết và thực hiện.
Tổ chức cho các thành viên tổ cộng đồng tham gia khai thác thủy sản, du lịch giải trí; tổ chức trực canh bảo vệ rạn san hô, nguồn lợi thủy sản và quản lý, giám sát các hoạt động sinh kế của cộng đồng; quan trắc đánh giá rạn san hô định kỳ
Theo ông Nguyễn Xuân Uy, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện phương án hàng năm và báo cáo kết quả. Tổ chức tuyên truyền, vận động, theo dõi, giám sát và phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng tuần tra, xử lý vi phạm.
Trực theo dõi tại khu vực đồng quản lý; phối hợp tuần tra, ngăn chặn những hành vi vi phạm trên biển; tổ chức gây quỹ cộng đồng tạo nguồn tài chính để thực hiện phương án. Đồng thời xây dựng mối liên kết hỗ trợ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiêm với các khu vực cộng đồng bảo vệ san hô...