Thương hiệu tinh bột khoai lang Bình Sa

TRIÊU NHAN - GIANG BIÊN 07/10/2020 09:03

Việc đầu tư, ứng dụng máy móc, công nghệ vào chế biến, tạo sản phẩm tinh bột khoai lang an toàn, đẹp mắt của chị Hoàng Thị Tính (xã Bình Sa, Thăng Bình) là hướng đi triển vọng.

Chị Hoàng Thị Tính với các sản phẩm tinh bột khoai lang tím, khoai lang đỏ và trắng, tinh bột rau má, nghệ, khoai môn... Ảnh: TRIÊU NHAN
Chị Hoàng Thị Tính với các sản phẩm tinh bột khoai lang tím, khoai lang đỏ và trắng, tinh bột rau má, nghệ, khoai môn... Ảnh: TRIÊU NHAN

Chuyện biến những củ khoai dân dã thành sản phẩm tinh bột khoai lang đẹp mắt với các sắc tím, đỏ, vàng, trắng mịn màng, với bao bì, nhãn mác, logo mang thương hiệu Bình Sa là nỗ lực lớn của gia đình chị Hoàng Thị Tính.

Chị Tính đã mày mò, thử nghiệm các công thức tạo tinh bột khoai với các màu trắng, đỏ, tím, vàng. Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng, mẻ tinh bột khoai đầu tiên cũng ra lò. Sản phẩm được các cơ sở cung ứng thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, cơ sở nấu trà sữa, các điểm bán thực phẩm an toàn đón nhận.

Đầu năm 2020, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã đề xuất hỗ trợ cơ sở chị Hoàng Thị Tính một số máy móc, thiết bị như nồi hông khoai, máy nghiền, máy sấy, máy ray bột mịn với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng. Trong đó, phần hỗ trợ từ nguồn khuyến công của Nhà nước là 125 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của gia đình. Chị Tính còn đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất trên diện tích 200m2 phục vụ sản xuất và trưng bày sản phẩm.

Theo quy trình chế biến tinh bột, củ khoai sau thu gom, chị Tính thuê 4 nhân công sơ chế, bỏ vào nồi hấp, hông, xay mịn, phơi khô tới khi giòn rụm, rồi đưa vào máy xay xát, ray mịn, để nguội rồi mới đóng gói, hút chân không, dán nhãn, đưa đi tiêu thụ.

Mỗi tháng, dây chuyền sản xuất tại cơ sở chị Tính có thể cho ra thị trường 1 tạ tinh bột khoai các loại, tương ứng với 4 tạ khoai tươi. Cơ sở này tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập đảm bảo. Những gói tinh bột khoai lang gồm các màu trắng, vàng, đỏ, tím được đóng gói với trọng lượng từ 200gr đến 1kg. Giá mỗi ký tinh bột khoai 100 - 120 nghìn đồng.

“Cứ hai ngày tôi xuất đi 1 tạ tinh bột khoai đóng gói, có thời điểm nhiều hơn. Sản phẩm làm vừa xong đóng gói, hút chân không là kịp vận chuyển đi liền. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhân công, vợ chồng tôi lãi chừng 15 triệu đồng” - chị Tính nói.

Chị Tính đang hướng đến cải thiện thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường rộng rãi hơn, có thể vào siêu thị, đại lý cửa hàng sạch, đến với hệ thống các cơ sở kinh doanh trà sữa, các tiệm bánh xèo, các cơ sở cung cấp thực phẩm dinh dưỡng. Phía UBND xã Bình Sa cũng đề cập sẽ giúp đỡ cơ sở của chị xây dựng sản phẩm tinh bột khoai lang Bình Sa trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh trong năm 2020 - 2021.

“Tôi cũng ý thức được rằng cùng với sản xuất, phải nỗ lực nâng tầm sản phẩm, cải thiện lại mẫu mã, bao bì, đăng ký logo, mã vạch, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bao bì được thay đổi từ túi ny lon sang túi nhựa thân thiện, đẹp mắt để vươn ra thị trường lớn. Vấn đề an toàn thực phẩm được chúng tôi xem trọng để phát triển bền vững” - chị Tính chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Tính đang nỗ lực thành lập Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh khoai tươi và tinh bột khoai, trong đó trọng tâm là củ khoai tím, sản phẩm tinh bột khoai lang tím và các sản phẩm đều mang thương hiệu “BISA FOOD”. Cơ hội xây dựng vùng trồng khoai tím nguyên liệu trên cơ sở liên kết sản xuất được hé mở. Đồng thời, chị còn thử nghiệm thêm một số dòng tinh bột khoai môn, bí đao, bí đỏ, rau má để đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm...

TRIÊU NHAN - GIANG BIÊN