Hương chè khô An Bằng

BÍCH LIÊN 03/09/2020 10:42

Trên xứ chè An Bằng - xã Đại Thạnh (Đại Lộc), việc uống chè xanh đã trở thành tập quán, nét văn hóa ẩm thực độc đáo vùng miền. Bên cạnh uống chè tươi, người Đại Thạnh còn chế biến lá chè tươi thành chè khô với nhiều công đoạn công phu, nhằm bảo quản lâu hơn, cho ấm chè với hương vị càng đậm đà, đằm thắm khó quên.

“Làm mới” sản phẩm chè An Bằng. Ảnh: B.L
“Làm mới” sản phẩm chè An Bằng. Ảnh: B.L

Trên xứ chè An Bằng - xã Đại Thạnh (Đại Lộc), việc uống chè xanh đã trở thành tập quán, nét văn hóa ẩm thực độc đáo vùng miền. Bên cạnh uống chè tươi, người Đại Thạnh còn chế biến lá chè tươi thành chè khô với nhiều công đoạn công phu, nhằm bảo quản lâu hơn, cho ấm chè với hương vị càng đậm đà, đằm thắm khó quên.

Người Đại Lộc, đặc biệt là xứ Đại Thạnh có tập quán uống nước chè xanh mỗi ngày và không nhà nào không trồng chè, nhiều thì cả vườn, ít thì vài cây để sử dụng. Bát nước chè xanh đã đi vào tiềm thức dân gian, không thể thiếu trong mỗi cuộc hàn huyên gia đình, làng xóm, đón khách phương xa hay mỗi khi nhà, làng có việc cần. Dân gian vùng Đại Thạnh có câu: “Thà rằng nhịn một bữa cơm/ Chứ không thể thiếu chè thơm An Bằng” là vậy. Loại chè thơm An Bằng là thứ chè đồi, chè sẻ lá nhỏ, thơm ngon và người ở vùng này không hái đọt chè để uống như người miền Bắc, mà lại cắt cành già, hái lá già để uống dần.

Để có bát nước chè tươi, nấu ấm nước sôi sùng sục trên bếp lửa, rửa chè già để ráo, rồi vò chè bỏ vào ấm, hãm trong vòng 15 - 20 phút, sẽ có ấm chè xanh màu đẹp, sánh, thơm ngon. Hoặc có thể sắc chè trực tiếp trên bếp. Quả thật, với người ghiền nước chè xanh, thiếu bát nước chè cũng như thiếu một cái gì đó rất lạ, da diết, bồn chồn như nhớ người yêu. Còn trong giao tiếp, bát nước chè cũng như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hàng xóm, người thân, bạn bè tới nhà chơi mà không rót được bát nước chè mời khách thì thiếu lễ nghĩa. 

Song, có một cách uống chè đặc trưng khác của người Đại Thạnh. Đó là sau khi cắt về chè tươi gồm lá, cành già, rửa sạch sẽ, để ráo, rồi bỏ vào cối đá giã dập, vừa đủ để chè bị bầm nhưng tuyệt đối không giã nát. Tiếp đó đem chè đã giã bỏ trên nong đậy cẩn thận để ủ qua đêm lên men, tới khi chè ngã sang màu nâu sẫm, tiếp tục cắt nhỏ, rồi đổ ra phơi trên nong (nia) sạch, dưới ánh mặt trời, hoặc sao chè để đảm bảo độ ẩm phù hợp, để nguội, bỏ vào bao cất để sử dụng, nhất là tiết trời lụt, mưa dầm kéo dài hay dịp tết. Cách chế biến này tạo nên hương vị độc đáo trong những bát nước chè truyền thống Đại Lộc, vừa dân dã, bình dị, cũng rất tao nhã. Thức chè khô đó, nếu được nấu bằng thứ nước mưa được các bà, các chị hứng từ những đợt mưa to kéo dài, đựng trong chum, hũ hay ảng thì càng tuyệt. 

Rất tiếc, tập quán uống chè khô gần như rơi vào quên lãng khi lớp người già dần xế bóng. Nghề chế biến chè khô không được bao người gìn giữ, cả chợ chè chuyên cung ứng chè tươi cho các thương lái ngược xuôi cũng mất đi. Nhưng, những năm qua, vẫn có một chàng trai tên Ngô Văn Chi, người con Đại Thạnh tỉ mỉ tiếp thu phương thức truyền thống tạo ra hương vị chè khô An Bằng của người xưa. Chi còn chủ động đầu tư thiết bị sấy chè nhằm đảm bảo chè khô, giòn, giữ được lâu, cho chất lượng và hương vị thơm ngon và đậm đà. Việc kết hợp giữa cách chế biến truyền thống bằng máy móc hiện đại của Chi góp phần đưa một thức quê truyền thống, dân dã, thành sản phẩm có tính thẩm mỹ, tao nhã. Với thương hiệu “Chè bancha An Bằng” (tức chè khô, phân biệt với chè sencha - chè tươi), sản phẩm mang hương vị truyền thống quê hương của Chi đã được thị trường đón nhận. Loại chè bancha này chứa lượng rất ít caffein nên hạn chế chứng mất ngủ, lại tốt cho tiêu hóa, cân bằng lượng axít trong dạ dày và có nhiều dược tính nên được nhiều người lựa chọn. 

Nỗ lực đánh thức thương hiệu vùng chè truyền thống, đưa sản phẩm vươn ra thị trường của Chi, đặc biệt là nỗ lực làm hồi sinh vùng chè An Bằng đứng trước nguy cơ mai một là rất đáng quý. Và để thưởng thức bát nước chè khô, mọi người nay không cần phải tự tay chế biến cực khổ, mà có thể tìm kiếm hương xưa trong sản phẩm chè bancha của một người con xứ An Bằng - Đại Thạnh.

BÍCH LIÊN