Không gian thương mại cho sản phẩm OCOP
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TP.Hội An có 7 sản phẩm được công nhận 4 sao và 3 sao. Việc đẩy mạnh quảng bá và tạo không gian thương mại để sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng là điều rất cần thiết.
Cần thông tin
Ngay ở vị trí mặt tiền cửa hàng Quê Vườn trên đường Trần Hưng Đạo, phường Minh An (TP.Hội An), chủ cơ sở đã in logo OCOP lên bảng hiệu. Bên trong, chủ cơ sở dành riêng một kệ hàng là các sản phẩm của chương trình OCOP trong và ngoài tỉnh, điển hình như nước mắm Cửa Khe, phở sắn Quế Sơn, bánh tráng Đại Lộc, dầu phụng Đất Quảng; ngũ cốc Hương Bột, gạo quê Phong Thử, thịt heo đồi Phước Ninh…
Cùng với các mặt hàng “oganic” là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, nhu yếu phẩm được chủ cơ sở nhập ở nhiều nơi, từ miền núi đến đồng bằng, trong và ngoài tỉnh. Không gian Quê Vườn trở thành địa chỉ mua sắm cho nhiều người dân và du khách. Tuy nhiên trên thực tế, do chương trình OCOP chưa được truyền thông sâu rộng, nhiều người tiêu dùng tại thành phố vẫn chưa biết đến sản phẩm một cách rộng rãi.
Là người từng mua nhiều mặt hàng như dầu ăn, thịt heo, gạo tại Quê Vườn nhưng chị Lương Ngọc Thanh cũng thừa nhận, chưa hiểu ý nghĩa của sản phẩm có nhãn mác, mã vạch hoặc tem chương trình OCOP. Chị Ngọc Thanh nói: “Tôi đã mua ở đây rất nhiều rồi vì biết là hàng quê vườn, yên tâm hơn mua chợ nhưng chưa hiểu rõ các tiêu chuẩn của OCOP”.
Qua thực tiễn hoạt động, từ khi thành lập chuỗi cửa hàng Quê Vườn, chị Hồ Thị Bông, chủ cơ sở cho biết, với niềm đam mê kinh doanh các mặt hàng xanh, sạch, không hóa chất, chị đã cất công sưu tầm, tạo chuỗi liên kết với các đơn vị có hàng cung ứng. Đã có một số mặt hàng chị nhập bán trước, sau này mới biết đó là sản phẩm OCOP.
Chị Bông cho rằng, dù đã tạo và in logo trên kệ hàng cũng như biển hiệu cửa hàng cho người tiêu dùng dễ quan sát, nhận biết, lựa chọn nhưng nhiều người vẫn chưa để ý về thông tin của chương trình này. Chị Hồ Thị Bông nói: “Khi tôi giới thiệu về OCOP, nhiều khách hàng vẫn chưa nắm bắt được. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến việc quảng bá sản phẩm. Tôi nghĩ cần phải truyền thông, phổ biến rộng rãi hơn nữa để người dân nghe, biết, thấy về OCOP một cách thiết thực”.
Và cả không gian
Hơn 2 năm nay, kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình OCOP, Hội An đã từng bước thực hiện các khâu triển khai, tập huấn, lựa chọn sản phẩm, phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cấp chất lượng, mẫu mã, đáp ứng bộ tiêu chí bắt buộc của chương trình. Vừa triển khai chủ trương, vừa xây dựng sản phẩm, toàn thành phố hiện có 7 sản phẩm được công nhận các sao. Trong đó, có 4 sản phẩm giữ nguyên mức độ 3 sao và 3 sản phẩm được thăng hạng từ 3 sao lên 4 sao, gồm trà rừng Cù Lao Chàm, đĩa Chùa Cầu, nước mắm nhĩ truyền thống Tư Tài; sợi mì, cao lầu Tô Văn Bình; đèn lồng của Công ty Hoa Nam; bánh đậu xanh Nguyễn Thị Bông và tương ớt mè Daichi Foods.
Đến nay, các cơ sở vẫn đang duy trì sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường theo phương thức truyền thống. Một số cơ sở cũng đã sử dụng mạng xã hội hoặc thiết lập trang web để giới thiệu sản phẩm ra thị trường song sức mua qua kênh này vẫn chỉ có hạn. Trước thực tế này, Phòng Kinh tế TP.Hội An đã kết nối các cơ sở có sản phẩm OCOP, liên kết với các cửa hàng như Quê Vườn, Xanh Xanh shop hoặc chợ phiên Hội An để tiêu thụ sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó phòng Kinh tế TP.Hội An, cho biết: “Khi tỉnh có danh sách các điểm OCOP gửi về, đơn vị tổng hợp cung cấp thông tin đến các chuỗi cơ sở kinh doanh hàng hữu cơ tại thành phố. Các bên sẽ kết nối, thỏa thuận với nhau để có thể kinh doanh mở rộng sản phẩm OCOP. Rồi từ chợ phiên đến chợ đêm của thành phố, phòng đều khuyến khích các cơ sở có hàng OCOP. Hiện nay, phòng cũng tính đến việc kết nối các nhà hàng, khách sạn để họ bố trí thêm một không gian bán hàng, quảng bá sản phẩm OCOP tại cơ sở rộng rãi hơn”.