Phát triển thế mạnh Quảng Nam
Các sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP đang được “cân đo đong đếm” để đánh giá xếp hạng sản phẩm cho năm 2019. Có khoảng 95 sản phẩm ở 6 nhóm hứa hẹn về tính đa dạng của Chương trình OCOP Quảng Nam.
Ưu thế từ thảo dược
Trong số 95 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá xếp hạng lần này đều được các chủ thể đầu tư khá chỉn chu. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh chia sẻ, rút kinh nghiệm từ năm 2018, năm nay, để tham gia đánh giá xếp hạng, các chủ thể đều hoàn thiện khá kỹ lưỡng bộ hồ sơ trình bày sản phẩm của mình. Ngay từ các khâu sản xuất ban đầu của sản phẩm, bao gồm nguồn gốc nguyên liệu, kỹ thuật sơ chế, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, tiềm năng sản xuất hàng loạt để phân phối ra sao... đã được chuẩn bị khá chi tiết. Cùng với đó, các ý tưởng sản phẩm, câu chuyện của sản phẩm cho đến việc kêu gọi sự tham gia của cộng đồng... đều được đề cao. Tính đến thời điểm này, các huyện, thành phố, thị xã đều đã có đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để chọn những sản phẩm tiêu biểu tham gia “thi” xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với các khâu về chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác, bản sắc địa phương là điều được đánh giá cao ở sản phẩm OCOP.
Theo đó, các sản phẩm OCOP được ưu tiên theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm các đặc sản có công nghệ gốc và nguyên liệu ở địa phương, có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ông Mai Đình Lợi cho biết, những tiêu chí này được cụ thể hóa thành phiếu chấm điểm trong quá trình xét chọn các ý tưởng sản phẩm OCOP do cộng đồng khởi xướng, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Ở các nhóm sản phẩm đã được xếp hạng và đang lưu thông trên thị trường, sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược của xứ Quảng nhận được phản hồi khá tốt.
Trong 2 năm 2018 - 2019, có 22 sản phẩm OCOP nguồn gốc từ thảo dược, chiếm 17,6% số sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh. Các sản phẩm này có nguồn gốc từ 14 loài cây thuốc, thuộc 4 ngành hàng OCOP là đồ ăn, đồ uống, thảo dược và thủ công mỹ nghệ. Từ các loài củ, rễ là thế mạnh của vùng núi Quảng Nam như ba kích, chè dây, đẳng sâm, linh chi cho đến các loại nguyên liệu như nghệ, quế, rau lủi, rau má, sen, trà rừng, trầm hương, yến đang được tận dụng để làm nên sản phẩm OCOP đặc trưng Quảng Nam. Chị Nguyễn Thị Việt - chủ cơ sở sản xuất tinh dầu quế Trà My - Minh Phúc cho biết, nguyên liệu sản xuất luôn được cơ sở kiểm soát đầu vào một cách kỹ lưỡng, chặt chẽ về chất lượng và nguồn gốc. Từ cây quế bản địa Trà My, hàng loạt sản phẩm bao gồm tinh dầu quế, túi thơm, bột quế và các phụ phẩm khác... được cơ sở sản xuất và tung ra thị trường từ nhiều năm nay. Chọn lấy ưu thế từ nguồn nguyên liệu địa phương và phát triển nên các sản phẩm có giá trị, mang bản sắc của vùng đất, là một trong những thành công của OCOP hiện tại.
Chiến lược “khác biệt hóa”
Từ thế mạnh dược liệu, chương trình OCOP đang tiếp tục phát triển sản phẩm bằng việc xây dựng “Trục văn hóa - nông dược Hội An - Tam Kỳ - Trà My”. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt trong chiến lược của Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030. PGS-TS. Trần Văn Ơn (chuyên gia tư vấn đề án OCOP tại Quảng Nam) cho biết, theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, trên địa bàn Quảng Nam hiện có 832 loài dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc quý nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Chưa kể, với các lợi thế từ tài nguyên du lịch đa dạng, nếu gắn phát triển các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch, có thể tạo một ngành kinh tế “lai” dựa trên nền tảng văn hóa - cảnh quan - thảo dược. “Nền kinh tế dược liệu dựa trên nền tảng văn hóa cảnh quan thảo dược là chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên đa dạng sinh học, tri thức và văn hóa bản địa trong dược liệu cùng cảnh quan và gắn với du lịch. Đây là chiến lược “khác biệt hóa”, dựa trên lợi thế so sánh của địa phương” - PGS-TS. Trần Văn Ơn nói.
Đa dạng sản phẩm từ dược liệu, gắn khai thác dược tính của dược liệu với tài nguyên văn hóa, cảnh quan, tạo nên các điểm dừng chân có giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ẩm thực từ dược liệu cũng như tạo nên các mô hình du lịch trải nghiệm, sinh thái, du lịch dưỡng bệnh. Đây chính là các hoạt động sẽ hình thành khi trục văn hóa - nông dược Hội An - Tam Kỳ - Trà My hình thành. Trên cơ sở thế mạnh của vùng đất, các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch theo trục không gian, bắt đầu từ Phố cổ Hội An - Làng bích họa Tam Thanh - Hồ Phú Ninh - Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My. Hiện tại, các tiểu dự án như công viên nông dược Quảng Nam trên địa bàn Tiên Phước, vùng dược liệu Trà My, chợ dược liệu Trà My (Nam Trà My), phát triển du lịch sinh thái, làng truyền thống cộng đồng tại Bắc Trà My, phát triển kinh tế vườn - du lịch trang trại vùng trung du Tiên Phước... dần được định hình. Cùng với trục này, các dược liệu chủ lực của tỉnh bao gồm sâm Ngọc Linh (Nam Trà My), quế Trà My (Bắc Trà My), đẳng sâm (Nam Trà My) và ba kích (Tây Giang) đang được triển khai mở rộng chuỗi sản phẩm, đồng bộ từ vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến đến phân phối, tiếp thị sản phẩm.
Điều cần thiết hiện tại, theo các địa phương nằm trong trục này, cần sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, bắt đầu từ việc liên kết chuỗi trong phát triển nông sản, dược liệu, xúc tiến thương mại và hơn hết có tiếng nói chung về vùng nguyên liệu để khai thác tiềm năng và lợi thế dược liệu của mỗi địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, hiện tại các điểm du lịch trên trục đường kết nối với các điểm di sản với miền núi còn quá ít ỏi, việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cùng địa phương thực hiện sẽ là điều cần thiết. “Các địa phương cần xem xét liên kết với các doanh nghiệp lớn, có công nghệ, có nền tảng về hệ thống nhà máy để xây dựng những sản phẩm OCOP độc đáo, có chất lượng cao hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.