Sốt đất, Alibaba lừa đảo, vỡ mộng Cocobay - năm chấn động của thị trường BĐS
(QNO) - Có thể thấy năm 2019, thị trường bất động sản đã trải qua khá nhiều biến cố khi lần đầu tiên có chủ đầu tư không thể trả cam kết lợi nhuận condotel sau chưa đầy 3 năm vận hành, hay cú lừa đảo kinh hoàng của anh em Nguyễn Thái Luyện – địa ốc Alibaba.
Việc sốt đất cục bộ bắt đầu từ Đà Nẵng vào tháng 1.2019, đến Vân Đồn vào tháng 2.2019 sau khi khánh thành nhiều công trình lớn. Tiếp đến là Bình Thuận với thông tin dự kiến thành lập sân bay tại Phan Thiết hay tại Phú Quốc xin chủ trương thành lập thành phố.
Tháng 8.2019, cơn sốt đất xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, đặc biệt ở địa bàn Long Thành sau khi có thông tin chốt thời hạn khởi công sân bay Long Thành và Nhơn Trạch chốt phương án xây dựng cầu Cát Lái... khiến bất động sản những khu vực này tăng giá vài chục phần trăm.
Tại khu vực phía Bắc, đầu năm 2019, thị trường bất động sản các tỉnh và thành phố như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên,…vô cùng sôi nổi. Hàng loạt các dự án mới được tung ra, hứa hẹn tính thanh khoản lên đến 70 – 80%.
Đến quý 2.2019, đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội cũng bùng lên cơn sốt mạnh mẽ trước thông tin sắp được lên quận. Điển hình là 4 huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì và Gia Lâm. Giá đất tăng lên 30 – 50% trong khoảng 2 năm trở lại.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng trong cơn sốt đất có thể tranh thủ được lợi nhuận cao. Thế nhưng trên thực tế, sốt đất cũng dẫn đến nhiều hệ lụy.
Trước tình trạng này, chuyên gia đã phải cảnh báo về cơn sốt của các tỉnh hầu hết chỉ mang tính một chiều. Nguyên nhân là do các nhà đầu cơ tự thổi giá với nhau nhằm tạo sóng cho thị trường chứ thực tế không có nhiều giao dịch.
Sự việc ở Công ty Địa ốc Alibaba có lẽ là sự kiện ấn tượng nhất của thị trường bất động sản năm 2019 khi bất ngờ chiều ngày 18/9, hàng trăm người thuộc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An và Công an TP.HCM đã tiến hành khám xét trụ sở giao dịch của Công ty CP Địa ốc Alibaba ở đường Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).
Tiếp đó, hàng loạt chi nhánh của công ty này thuộc TP.HCM, Đồng Nai cũng bị cơ quan chức năng tiến hành khám xét.
Ngay trong ngày, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thành lập Công ty Alibaba từ năm 2016 với quy mô hơn 2.600 nhân viên. Anh em nhà “Alibaba” gồm Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh - Nguyễn Thái Lực đã tổ chức thu mua hơn 600ha đất nông nghiệp rồi giao cho các cá nhân đứng tên. Họ đã vẽ ra vài chục dự án “ma” ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận... để lừa người mua vào tròng.
Tính đến ngày 30.6, có khoảng 6.700 người bị hại, tổng tài sản chiếm đoạt lên đến 2.500 tỷ đồng. Đây là những con số chấn động trong vụ án địa ốc Alibaba. Nhiều mánh khóe lợi hại đã được hé lộ, nhiều chiêu trò đã được phanh phui trong việc Alibaba bán đất và huy động vốn thông qua hình thức kêu gọi đầu tư vào hàng ngàn lô đất nông nghiệp. Nhà đầu tư ký hợp đồng với Alibaba sẽ có quyền chọn đất hoặc lãi suất cam kết, và sau mỗi lần mở bán thì Alibaba sẽ cộng thêm phần lãi của đợt mở bán trước và chi phí quản lý.
Việc sai phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba cũng có ảnh hưởng nhất định với phân khúc đất nền. Tâm lý lo ngại và e dè từ các nhà đầu tư cũng lan ra cả thị trường, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở các khu vực lân cận.
“Vỡ trận” Cocobay Đà Nẵng, condotel chững lại
Mặc dù chưa có đầy đủ hành lang pháp lý nhưng phân khúc căn hộ khách sạn – condotel đã phát triển như vũ bão vài năm liền. Tham gia phân khúc này, nhà đầu tư bỏ tiền mua condotel và đổi lại được hưởng khoản tiền trả lợi nhuận cam kết hàng tháng, cùng với việc được hưởng hàng chục đêm nghỉ mỗi năm.Bất ngờ, vào tháng 11.2019, các nhà đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng nhận được thông báo ngừng trả cam kết lợi nhuận 12% từ chủ dự án là Công ty CP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô – Tập đoàn Empire.
Sự việc này đã gây chấn động cả thị trường, nhiều góc nhìn khác nhau về loại hình bất động sản này đã được đưa ra. Giới đầu tư hoang mang, lo ngại về một viễn cảnh xấu có thể sẽ xảy ra tiếp theo ở nhiều dự án condotel khác.
Và cho đến những ngày cuối cùng của tháng 12 này, vẫn chưa có một văn bản pháp lý cụ thể nào dành cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng condotel được cơ quan nhà nước ban hành.
Kiên Giang, Khánh Hòa đều xin dừng quy hoạch đặc khu
Hồi tháng 8.2019, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho tạm dừng việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho tới khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, cho phép tỉnh Kiên Giang được tổ chức triển khai lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Nguồn kinh phí lập quy hoạch được lấy từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Đến tháng 12/2019, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính Phủ xem xét cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời cho phép thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế Vân Phong, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư.
“Siết” chặt tín dụng bất động sản
Ngân hàng nhà nước đã thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản, kiểm soát dư nợ, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung hạn… Điều này dẫn tới việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu để đảm bảo cho các dự án.
Các doanh nghiệp bất động sản đua nhau đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu...
Tính tới tháng 12.2019, hơn 61.000 tỷ đồng phát hành từ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó riêng ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng chiếm 27%, tương đương với hơn 16.000 tỷ đồng.
Dòng vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào bất động sản sẽ tiếp tục bị siết chặt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.9.2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%, từ tháng 10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.