Níu giữ hương rừng

HOÀNG LIÊN 27/12/2019 13:20

Sản phẩm tinh dầu quế của HTX Nông dược xanh Tiên Phước và sản phẩm tinh dầu quế Trà My - Minh Phúc (Bắc Trà My) được gắn sao OCOP, mở ra tia hy vọng phục hồi thương hiệu “Cao sơn ngọc quế”.

Đa dạng sản phẩm tinh dầu quế tại HTX Nông dược xanh Tiên Phước. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Đa dạng sản phẩm tinh dầu quế tại HTX Nông dược xanh Tiên Phước. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại cuộc thi chấm chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam năm 2019, giải A thuộc về sản phẩm tinh dầu quế (và tinh dầu sả) của HTX Nông dược xanh Tiên Phước; giải B thuộc về sản phẩm “Tinh dầu quế Trà My” của Cơ sở sản xuất tinh dầu quế Bắc Trà My - Minh Phúc. Năm 2018, tinh dầu quế của HTX Nông Dược xanh Tiên Phước được công nhận 4 sao OCOP và sản phẩm tinh dầu quế Trà My của cơ sở Minh Phúc được gắn 3 sao. Tinh dầu quế của HTX Nông dược xanh Tiên Phước còn đoạt các giải thưởng Trung ương năm 2018. Sự vinh danh góp phần tạo đà cho sản phẩm bản địa vươn xa...

Từ 6.2018 tới nay, HTX Nông dược xanh Tiên Phước đã có hàng chục sản phẩm từ quế. HTX đã chú trọng đầu tư nhập dây chuyền chiết xuất tinh dầu, cải tiến sản xuất, xây dựng nhãn mác, chuỗi cung ứng sản phẩm trên cả nước. “Cùng một dây chuyền lấy tinh dầu có thể lấy tinh dầu ở các công đoạn khác nhau, từ tinh dầu nguyên chất cho tới tinh dầu ở giai đoạn lỏng (rẻ hơn), để cho ra các chủng loại khác như nước lau sàn, bình xịt sát khuẩn, tạo nước hoa thơm nhà tắm, toilet, phòng khách, hay để trên ô tô. Phải đa dạng sản phẩm mới tồn tại được” - ông Võ Duy Nghĩa - Giám đốc HTX nói. Còn tinh dầu quế Trà My - Minh Phúc được chiết xuất hoàn toàn từ quế Trà My, có hàm lượng tinh dầu cao và tinh dầu quế Trà My được đánh giá cao về chất lượng. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Việt cho biết, cứ 100kg nguyên liệu sẽ cho ra 0,4 lít tinh dầu quế. Cơ sở Minh Phúc cũng đã tạo ra một số sản phẩm từ tinh dầu quế, song chưa đa dạng chủng loại, quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chưa đầu tư đúng mức.

Cơ hội đã mở ra khi các sản phẩm tinh dầu quế được chứng nhận 3 sao, 4 sao OCOP. Song, đi cùng với đó là thách thức đặt ra không nhỏ... Theo bà Nguyễn Thị Việt, khó khăn hiện nay trong việc duy trì và phát triển sản phẩm ổn định là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất khan hiếm. “Một thời kỳ dài, do ảnh hưởng lai tạp bởi cây quế Bắc, do các chủ trương phát triển kinh tế nóng vội, cây quế Bắc Trà My bị chặt bỏ rất nhiều, vùng nguyên liệu đủ tuổi khai thác hiện còn rất ít. Nguyên liệu chế biến tinh dầu quế chủ yếu là thân, cành và lá, nhưng tại nhiều vùng quế, sau khi khai thác quế vỏ, hầu như nguồn nguyên liệu này chưa được khai thác triệt để. Chưa kể, vùng nguyên liệu phân bố rất xa, chi phí vận chuyển tốn kém, giá thành sản phẩm qua chế biến đội lên nhiều, giao thông chưa thuận lợi” - bà Việt nói.

HOÀNG LIÊN