Dai dẳng thực trạng ngập úng đô thị

HÀ SẤU 02/11/2023 16:57

(QNO) - Ngập úng đô thị đang là thực trạng nhức nhối chung hiện nay và Quảng Nam cũng không ngoại lệ, nhất là tại hai đô thị lớn Tam Kỳ và Hội An.

Kh
Đường Lạc Long Quân (tuyến ĐT603B) tại vị trí giáp ranh giữa TP.Hội An và thị xã Điện Bàn thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ sau các đợt mưa lớn. Ảnh: H.S

Nhiều vị trí ngập úng

Do thiên tai ngày càng cực đoan, trong đó mưa với cường suất rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn khiến một số khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh luôn thường trực nỗi lo ngập úng khi xuất hiện mưa lớn.

Qua tổng hợp của cơ quan chức năng, các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi ngập úng ở TP.Hội An khi có mưa lớn cục bộ, kéo dài hoặc lũ trên báo động 1 gồm: khu vực phố cổ Hội An, đường Cửa Đại, đường Lạc Long Quân, đường Lê Hồng Phong.

Trong đó, tuyến Cửa Đại và Lạc Long Quân thuộc quốc lộ 14H và ĐT603B nên tác động khá nhiều đến giao thông đối ngoại của phương tiện khi qua lại trong thời điểm ngập úng sâu từ 0,2 - 0,4m.

Ở một số thời điểm mưa lớn kéo dài, giao thông còn bị chia cắt tạo ra sự bất tiện, nhất là tuyến ĐT603B nối khu vực ven biển Đà Nẵng và Hội An - tuyến đường có lưu lượng xe phục vụ hoạt động du lịch rất lớn.

Đường Phan C
Đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ) có nhiều vị trí thường xuyên ngập úng cục bộ. Ảnh: H.S

Tại TP.Tam Kỳ, các vị trí thường xuyên hứng chịu ngập úng từ năm 2018 đến nay được khoanh thành 3 cụm với khoảng 30 điểm ngập, tập trung ở các tuyến đường Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh với mức ngập có thể lên đến 0,8m.

Theo báo cáo của UBND tỉnh vừa gửi Bộ Xây dựng về tình hình ngập úng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nguyên nhân chính gây ngập úng là thời tiết ngày càng cực đoan, mưa cường suất rất lớn trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước.

N
Theo báo cáo của UBND tỉnh gửi Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính gây ngập úng là thời tiết ngày càng cực đoan, mưa cường suất rất lớn trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước. Ảnh: H.S

Một số nguyên nhân khác cũng được đề cập như năng lực tiêu thoát lũ của hệ thống sông và trữ nước tự nhiên bị suy giảm; hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế; gia tăng bê tông hóa tại khu vực đô thị làm tăng lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt; nhiều quy định về quản lý thoát nước chậm đổi mới...

Ứng phó ra sao?

Trước nguy cơ ngập úng gia tăng cả về cường độ lẫn phạm vi, nhất là tại TP.Tam Kỳ, thời gian qua cơ quan chức năng đã có nhiều động thái ứng phó ngập úng cũng như đề xuất các chính sách thích ứng về lâu dài. 

Theo UBND tỉnh, trong ngắn hạn Tam Kỳ sẽ tiến hành đầu tư tuyến kênh thoát lũ phía tây từ cống Ông Dung về sông Tam Kỳ, đầu tư tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương từ đường Nguyễn Hoàng đến sông Bàn Thạch, nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Dục, trục vớt bèo trên sông Bàn Thạch...

Trong dài hạn, tại Tam Kỳ sẽ cải tạo, nâng cấp các cống ngăn triều hiện có thành van đóng mở bằng điện tích hợp điều khiển IoT hoặc tự lật, chuyển công năng các hồ điều hòa thành hồ điều tiết, nâng cấp cao trình chống ngập cho kè sông Bàn Thạch...

Về lâu dài Tam Kỳ sẽ nâng cấp cao trình chống ngập cho kè sông Bàn Thạch. Ảnh: H.S
Về lâu dài, Tam Kỳ sẽ nâng cấp cao trình chống ngập cho kè sông Bàn Thạch. Ảnh: H.S 

Trong khi đó, các tuyến đường do tỉnh và trung ương quản lý đi qua địa phận Hội An như ĐT603B, quốc lộ 14H sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống mương thoát nước đáp ứng được lưu lượng mưa cực đoan diễn biến trong thời gian qua.

Quảng Nam kiến nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ tỉnh một số giải pháp tổng thể về giảm ngập bền vững cho các đô thị. Đồng thời, hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp, môi trường để cơ quan chức năng địa phương có thêm nguồn lực thực hiện các giải pháp ứng phó ngập úng.

HÀ SẤU