Tạo sức bật cho hàng "made in Quảng Nam"
Nâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kích cầu tiêu dùng “mùa vàng” mua sắm cuối năm, dịp tết là những cách tạo sức bật cho hàng hóa Quảng Nam.
Vận động của cơ sở, doanh nghiệp
Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và mứt biển Phúc Diễn - Kỳ Hà (Cơ sở Phúc Diễn, thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) đang từng bước chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Ngọc Phúc - chủ Cơ sở Phúc Diễn cho biết, từ nay đến dịp Tết Giáp Thìn 2024 có kế hoạch cung ứng ra thị trường 3.000 lít nước mắm nguyên chất, 1 tấn rong biển tươi, 5 tạ rong biển khô và 2.000 hũ rong biển cấy tỏi.
Theo ông Phúc, các loại rong biển đều được khai thác tự nhiên ở vùng biển Tam Hải, đã có thương hiệu, hàng hóa chất lượng nên người tiêu dùng liên tục hỏi mua, đặt hàng. Đối với nước mắm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhãn hiệu uy tín như nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình), nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ)… nên chỉ có cách chứng minh tuyệt hảo của sản phẩm mới chinh phục được người tiêu dùng.
“Tôi lặn lội khắp các vùng biển để mua cá cơm tươi về ủ chượp, sau đó chiết rót bằng công nghệ lọc sạch, hàng hóa sạch, ngon ngọt, có bao bì, nhãn mác bắt mắt, chứng minh an toàn thực phẩm nên thị trường tiêu thụ khá tốt” - ông Phúc nói.
Từ sự gần gũi thân quen, hàng hóa “made in Quảng Nam” từng bước chiếm lĩnh sự tin tưởng của người tiêu dùng thông qua mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh, đặc biệt là chất lượng hàng hóa, uy tín thương hiệu.
Hiện nay, tại các quầy kệ trong hệ thống phân phối lớn, hàng hóa Quảng Nam chiếm được vị trí dễ mua sắm của người tiêu dùng. Các mặt hàng rượu sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, giảo cổ lam, sâm nam, chuối rừng, sâm cau, đương quy, khổ qua rừng của Cơ sở Nông - dược liệu Phạm Nhung (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My) bán chạy trên thị trường cả nước nhờ chất lượng vượt trội.
Bà Phạm Thị Mỹ Nhung - chủ Cơ sở Nông - dược liệu Phạm Nhung cho biết, sản phẩm hàng hóa đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc của khách hàng. Bà Nhung sở hữu 1ha diện tích trồng dược liệu đồng thời thu mua các loại dược liệu của bà con xóm giềng thân thuộc nên chế biến được các loại dược liệu xanh, sạch, chất lượng.
Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, hàng hóa Quảng Nam đã khẳng định được thương hiệu, vị thế, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là nhiều hàng hóa như dược liệu, phở sắn đã định danh ở nước ngoài.
Để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hàng “made in Quảng Nam”, các sở, ngành đã trợ giúp cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc những mặt hàng thiết yếu gắn liền với đời sống hàng ngày, xây dựng chuỗi thực phẩm xanh, an toàn, liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, lưu thông.
Ngành công thương đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa xứ Quảng nhanh chóng, thuận tiện.
Xúc tiến thương mại và kích cầu tiêu dùng
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở rộng tiêu thụ hàng hóa, mới đây Sở Công Thương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ở tỉnh Đắk Nông.
Qua trưng bày, 12 gian hàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP như trầm hương, dược liệu, trà gừng, dầu tràm, sâm Ngọc Linh, nước mắm, quế Trà My, trà túi lọc dược liệu, hải sản khô, rượu thảo dược, gỗ mỹ nghệ, tiêu Tiên Phước… đã được dịp quảng bá.
Người tiêu dùng tỉnh bạn đón nhận nồng nhiệt các sản phẩm, hàng hóa của Quảng Nam nhờ chất lượng và bán với giá phải chăng. Các doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh cũng đã được dịp kết giao, liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở của 15 tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên để thỏa thuận, ký kết sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, xúc tiến thương mại có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ của Quảng Nam với các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Mới đây, Co.opMart Tam Kỳ triển khai chương trình “khuyến mãi vàng” để tri ân khách hàng đồng hành với siêu thị suốt nhiều năm qua. Hàng Việt nói chung, hàng hóa Quảng Nam nói riêng được hạ sâu giá bán giúp người tiêu dùng được dịp mua sắm rộng rãi.
Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khôi phục tăng trưởng.
Các chương trình khuyến mại, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” luôn là hành động thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thúc đẩy quy mô thị trường nội địa và chứng minh đây là thị trường chiến lược.
Thời điểm này, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các địa phương đã lên kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thị trường nội địa đang là bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận.
Đáng chú ý, thị trường trong nước đã có được những mạng lưới, nhiều nhà phân phối để cung ứng hàng hóa. Từ nay đến cuối năm, ngành công thương đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng hàng hóa Quảng Nam gắn với bình ổn thị trường.
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành đã phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, siêu thị, chợ tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giới thiệu, khơi thông tiêu dùng cho hàng hóa Quảng Nam. Hàng “made in Quảng Nam” và hàng Việt chất lượng cao ngày càng thu hút người tiêu dùng, có mặt tại hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống với tỷ lệ hơn 90%.