Quản lý rủi ro do thiên tai ở Đại Lộc: Chủ động trong mọi tình huống

CÔNG TÚ 03/11/2023 09:24

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Đại Lộc đã lên phương án phòng ngừa, ứng phó theo từng cấp độ, đặc biệt là chú trọng sơ tán nhân dân mùa bão lụt.

Tuyến ĐT609B, đoạn giáp ranh giữa Đại An, Đại Hòa với Ái Nghĩa thường xuyên bị ngập lụt, nước chảy xiết và từng cuốn trôi nhiều người khi cố băng qua. Ảnh: C.T
Tuyến ĐT609B, đoạn giáp ranh giữa Đại An, Đại Hòa với Ái Nghĩa thường xuyên bị ngập lụt, nước chảy xiết và từng cuốn trôi nhiều người khi cố băng qua. Ảnh: C.T

Nguy cơ hiện hữu

Nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, bán kiên cố vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ ở huyện Đại Lộc. Phần nhiều số nhà này nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Với địa hình đồi dốc, lượng mưa lớn tập trung nên Đại Lộc được ví như “rốn lũ” của Quảng Nam, đặc biệt là các xã thuộc khu vực trũng thấp hạ lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn luôn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Đơn cử, ngày 1/10/2006, cơn bão Xangsane có cường độ gió cấp 12 đổ bộ vào địa bàn đã làm hàng trăm người bị thương, gần 10 nghìn nhà ở bị hư hỏng, tốc mái. Cuối tháng 9/2009, bão số 9 với gió cấp 12 kèm theo mưa rất to khiến mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa cao hơn mức lũ lịch sử năm 1999 và 2007 khoảng 0,5m gây thiệt hại rất lớn.

Theo thống kê của Đại Lộc, năm 2017, ảnh hưởng của bão số 12 và mưa lũ đã làm 3 người chết, 69 người bị thương. Các năm 2020, 2021 và 2022, thiên tai xảy ra khiến 7 người chết, 176 người bị thương; khoảng 5.700ha lúa, hoa màu, rau củ quả, cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm bị hư hại gần như hoàn toàn. Đó là chưa kể, hàng trăm công trình bị hư hỏng nghiêm trọng.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Đại Lộc cho biết, công tác phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại được các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của huyện rất quan tâm. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai ngày càng đa dạng và cực đoan, tần suất xảy ra thường xuyên đã đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và cộng đồng.

Chính vì vậy, huyện xác định xây dựng phương án ứng phó theo từng cấp độ thiên tai là hết sức cần thiết, cấp thiết để chủ động trong mọi tình huống. Từ đây, nâng cao nhận thức trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng tránh của từng người dân, từng gia đình.

Huy động mọi nguồn lực, có phương án cụ thể chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả nhằm góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện. Qua đó, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động PCTT theo quy định của pháp luật. Đồng thời cung cấp thông tin để lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình nông thôn mới.

Chủ động ứng phó

Đầu tháng 8 vừa qua, UBND huyện Đại Lộc đã ban hành phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai của năm 2023. Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, lực lượng tại chỗ sẵn sàng tham gia PCTT&TKCN bao gồm dân quân tự vệ, công an xã, công an viên thôn, thanh niên xung kích, dự bị động viên và đội xung kích của các xã, thị trấn do Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã quản lý gồm 5.148 người. Công trình công cộng, nhà dân kiên cố có thể sơ tán dân đến để tránh trú tập trung, hoặc xen ghép mà đảm bảo cao lụt với sức chứa khoảng 12.670 người.

Theo thống kê, trên địa bàn Đại Lộc có tổng cộng 41.155 nhà; trong đó 3.985 nhà bán kiên cố (chiếm 10,45%), 1.071 nhà thiếu kiên cố (2,6%) và 145 nhà đơn sơ (0,35%).

Do đó, đối với bão có dự báo rủi ro thiên tai cấp độ 3, theo phương án ứng phó, toàn huyện sẽ triển khai sơ tán xen ghép 357 hộ/1.047 khẩu, sơ tán đến nơi an toàn cho 473 hộ/1.745 khẩu khác.

Bão dự báo rủi ro thiên tai cấp độ 4, sẽ có khoảng 1.790 hộ/5.564 khẩu cần sơ tán xen ghép; sơ tán 1.373 hộ/4.878 khẩu đến nơi an toàn. Nếu xảy ra bão với dự báo rủi ro thiên tai cấp độ 5, Đại Lộc phải sơ tán xen ghép 2.038 hộ/5.964 khẩu; sơ tán đến nơi an toàn cho 1.529 hộ/5.232 khẩu. Đồng thời các xã, thị trấn chủ động đảm bảo lương thực, thực phẩm, vật tư y tế phục vụ việc sơ tán, an dân.

Lũ, ngập lụt cũng thường xuyên xảy ra và ảnh hưởng nặng nề đối với Đại Lộc. Theo đánh giá, mực nước lũ trên các sông Vu Gia và Thu Bồn từ báo động 2 đến dưới báo động 3 (cấp độ 2) sẽ gây mức độ tổn thương trung bình; báo động 3 đến trên lũ lịch sử (cấp độ 3) sẽ có mức độ tổn thương cao.

Lũ mức báo động 3, các địa phương cần phải sơ tán 327 hộ/832 khẩu đến xen ghép các nhà cao lụt; sơ tán 439 hộ/1.984 khẩu đến khu vực an toàn. Mức lũ cao hơn báo động 3 chừng 1m, lúc này phải sơ tán xen ghép vào các nhà cao lụt cho 1.062 hộ/3.217 khẩu; sơ tán 994 hộ/4.025 khẩu tới nơi an toàn.

Mức lũ cao hơn báo động 3 tới 2m, có đến 1.518 hộ/4.696 khẩu cần sơ tán xen ghép tại các nhà cao lụt; sơ tán đến nơi an toàn cho 1.836 hộ/7.136 khẩu. Đặc biệt với mức lũ lịch sử, các địa phương phải huy động toàn bộ lực lượng để sơ tán 1.705 hộ/5.185 khẩu xen ghép tại các nhà cao lụt; sơ tán 1.911 hộ/7.451 khẩu đến các khu vực an toàn với phương châm “cứu người trước, cứu tài sản sau”.

Ngoài ra, để phòng tránh hậu quả do sạt lở, sụt lún đất do dòng chảy, mưa lũ, Đại Lộc cũng đã rà soát xác định 573 hộ với 1.896 khẩu tại 13 xã, thị trấn Ái Nghĩa (12 hộ, 63 khẩu ở khu Phước Mỹ) phải được sơ tán xen ghép, sơ tán tập trung vào nhà dân, công trình công cộng.

CÔNG TÚ