Đi về phía Nam Lào
(VHQN) - Chưa đến nửa ngày bon bon trên xe, chúng tôi đã trở thành du khách quốc tế rong ruổi về phía Nam Lào…
1. Sau nhiều giờ đồng hồ rong ruổi từ Quảng Nam chúng tôi đến Paksong (tỉnh Champasak) vào một ngày mưa phùn lạnh giá. Không khí ở đây mang đặc trưng của vùng cao nguyên lộng gió với những rừng thông bạt ngàn.
Lân la vào một chợ truyền thống của người Lào, điều thú vị mà chúng tôi phần nào đoán được là có khá nhiều người Việt đang sinh sống và buôn bán tại đây. Họ đã ở Paksong hàng chục năm và thường xuyên về Việt Nam.
Sau khi thưởng thức vài món ăn dân dã tại chợ như cá suối nướng, bò một nắng nướng, bột chiên… một người trong đoàn không quên mua cho mình những đôi dép Lào làm kỷ niệm. “Đã qua Lào là phải mua dép Lào”, một thành viên trong đoàn hóm hỉnh nói và nhanh nhảu lựa chừng 10 đôi để mang về làm quà.
Cách chợ không xa là 2 khu thác nước nổi tiếng Tad Fane và Tad Yuang. Nhìn từ xa, thác dựng đứng chảy ầm ào xuống thung lũng, tạo ra những màn sương dày. Một nhân viên phục vụ tại điểm đến này là người địa phương nói: “Thác Tad Fane ẩn hiện như tiên cảnh”.
Trên đường trở ra, tôi hỏi ở đây có đặc sản gì hấp dẫn không? Người hướng dẫn bông đùa: “Đặc sản là mây đó. Mây ở đây còn dễ bắt gặp hơn khách du lịch”. Nghe hơi “phiêu” nhưng thật.
Chẳng thế mà có cả một số điểm “check-in” săn mây cho du khách nữa. Dí dỏm vậy, nhưng người hướng dẫn cũng thông tin thêm Paksong được ví như “thủ phủ cà phê” của Lào. Ở đây, Paksong Highland và Agro Café là các không gian trải nghiệm cà phê phổ biến của khách, còn mùi hương cà phê thì ngào ngạt khắp ngõ ngách thị trấn xinh xắn này.
Nắng bắt đầu trải mật trên khắp sườn núi. Mấy vạt dã quỳ lác đác khoe sắc bên vệ đường đến thác Tad Yuang. Trên đầu thác là những cây cầu tre và bãi cỏ xanh mướt. Lãng đãng ở Tad Yuang, nhiều người cứ nấn ná không muốn rời đi.
Muốn ghé xuống thác chụp hình chỉ có một lối mòn khoảng 50 bậc thang lát đá. Có người bỗng thốt lên chốn bồng lai ở vùng cao nguyên Bolaven này hao hao Đà Lạt. Có lẽ vậy, nhưng chắc là Đà Lạt của độ mươi năm cũ, ngày Đà Lạt còn đẹp hoang dại dưới đồi thông già…
2. Ở đây mọi người hay nói với nhau là chưa đến Wat Phou thì xem như chưa đi du lịch vùng Hạ Lào. Chị Noi - hướng dẫn viên du lịch tại di sản Wat Phou, nói: “Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch mở cửa thì du khách đến thăm di sản này hầu hết là người Việt và người địa phương còn du khách quốc tế, trong đó chủ yếu là châu Âu vẫn chưa trở lại nhiều như trước”.
Bài toán về phát huy giá trị di tích có vẻ ở đâu cũng na ná nhau khi ở Wat Phou không có dịch vụ phụ trợ đáng kể, khách tham quan trong chốc lát rồi cũng chóng vánh rời đi. Wat Phou cũng như các điểm đến ở Paksong nhìn chung vẫn chưa quá phổ biến với khách quốc tế. Thống kê cho thấy, hàng năm chỉ mới có khoảng vài trăm ngàn lượt khách đến đây, chủ yếu là khách có đam mê xê dịch.
Đi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Minh Xoang - Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Đà Nẵng không ngớt trầm trồ về vẻ đẹp của vùng đất này. “Wat Phou cùng với các điểm đến khác ở cao nguyên Bolaven, thành phố Pakse và xa hơn là về phía Đông Bắc Thái Lan quá thích hợp để phát triển du lịch caravan. Khởi đầu có thể từ Quảng Nam qua Đắc Ốc và quay trở về qua ngả A Đớt (Thừa Thiên Huế) là trọn vẹn cung đường đầy mê hoặc này”, ông Xoang phân tích.
Lời của người đàn ông có thâm niên làm du lịch ở miền Trung này đúng như hình dung con đường giao thương về hành lang kinh tế Đông - Tây đã bàn nhiều lâu nay, nhưng qua một ngả mới, cũng đầy hứa hẹn.
Thực tế là hồi tháng 7 vừa rồi, một công ty lữ hành ở Hội An đã đón đoàn caravan khởi hành từ Thái Lan nhập cảnh qua cửa khẩu Đắk Ốc để tham quan dài ngày tại khu vực miền Trung. Đây cũng là một lối mở đáng lưu tâm cho liên kết du lịch vùng trong thời gian tới.
Câu chuyện mở hành lang kinh tế Đông - Tây tiếp tục được xới lên trong thời gian qua. Trong một lần bàn về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Lực cản lớn trong phát triển của khu vực miền Trung hiện nay là thiếu các trục hành lang Đông Tây kết nối với các nước trong khu vực. Phát triển được các hành lang nối sang Lào, Thái Lan sẽ giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế, trong đó có du lịch.
Trục hành lang nối từ Đông Bắc Thái Lan qua Champasak - Sêkông (Lào) về đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang xuống Đà Nẵng - Quảng Nam hiện được các nước ở khu vực Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan rất quan tâm với hạ tầng được đầu tư cơ bản chỉ còn 72km từ cửa khẩu Đắk Ốc về đến đường Hồ Chí Minh là hoàn thiện toàn bộ tuyến đường này. Đây là tuyến ngắn nhất nối các tỉnh trong hành lang, trên thực tế nó đang dần hình thành trục hành lang chính mới, được các nước trong khu vực cam kết phát triển”.
Có lẽ những động lực kinh tế khác sẽ còn phải mất thời gian lâu nữa mới có thể hình thành qua hành lang này. Còn với du lịch, mọi thứ có thể bắt đầu từ ngay bây giờ khi từ nhiều ngả, ai cũng có thể đi về phía Nam Lào…