Gọi mời, giữ chân "khách ngoại"
(VHQN) - Những tín hiệu phục hồi từ du lịch và làn sóng khách ngoại, đặc biệt là du khách Ấn Độ và châu Âu mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị lữ hành lẫn nhiều địa phương miền núi Quảng Nam sau đại dịch.
Tín hiệu phục hồi
Hàng loạt sự kiện gắn với miền núi được nhắc đến trong chương trình kích cầu thu hút khách du lịch năm 2023 của Quảng Nam như Lễ hội quế Trà My, Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình, Liên hoan Âm vang cồng chiêng, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi, Ngày hội văn hóa, truyền thống Cơ Tu, Lễ hội sâm Ngọc Linh, Festival tơ lụa Việt Nam..
Giá trị độc đáo từ tài nguyên sinh thái, văn hóa bản địa hứa hẹn đem đến những trải nghiệm thú vị, phục vụ mục tiêu chung thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Đồng thời gia tăng cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch.
Tại Đông Giang, khu du lịch Cổng trời Đông Giang trở thành một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trên bản đồ du lịch của tỉnh. Ấn tượng tốt đẹp thu được từ những đoàn khách quốc tế trở lại nơi này đã ít nhiều khẳng định được sức hút.
Huyện Tây Giang cũng đã đón được những du khách ngoại đặt chân đến rừng Pơ mu, khám phá đại ngàn hùng vĩ cùng những trải nghiệm văn hóa, khám phá đời sống người dân bản địa.
Du khách nước ngoài cũng góp mặt tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ 20, dù số lượng còn khiêm tốn nhưng cũng ít nhiều mở ra kỳ vọng cho những điểm đến ở vùng núi, vốn là một khu vực tương đối đặc thù.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhận định, các huyện miền núi có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Vùng sâu trong đất liền Quảng Nam còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hệ sinh thái đa dạng, là nguồn tài nguyên quý giá cần được khai thác bền vững trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh.
“Miền núi đã hình thành một số điểm đến như làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng Văn hóa - du lịch Bhơ Hôồng (Đông Giang), Làng Du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), Khu du lịch đỉnh quế (Tây Giang) thu hút mỗi năm hàng chục nghìn lượt khách.
Gần đây, những sản phẩm như du lịch sinh thái, du lịch sâm Ngọc Linh, du lịch văn hóa cộng đồng (Nam Trà My), du lịch dịch vụ Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động cũng đã tạo ra được điểm nhấn, có khả năng làm đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển. Khách Ấn Độ và du khách nước ngoài có sự quan tâm nhất định đến các điểm đến này, là tín hiệu tốt cho việc phục hồi du lịch” - ông Thanh cho hay.
Nâng tầm điểm đến
Những tiềm năng và sự hồi phục từ du lịch củng cố quyết tâm của các doanh nghiệp lữ hành. Tại Tây Giang, từ những chuyến khảo sát đầu tiên, Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure đặc biệt ấn tượng với vẻ đẹp sinh thái và màu sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu bản địa.
Bà Bùi Thùy Giang - phụ trách truyền thông Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure cho hay, trong các buổi làm việc, giới thiệu sản phẩm du lịch với các đối tác lữ hành của nước ngoài, các đối tác đánh giá rất cao về nét độc đáo trong văn hóa bản địa, đặc biệt là điệu múa tâng tung da dá truyền thống của đồng bào Cơ Tu Tây Giang và những điểm đến sinh thái ở nơi này.
“Chính nền văn hóa giữ rừng lâu đời của bà con cùng những mộc mạc ban sơ của người miền núi tạo được sức hút, sự ấn tượng và mới mẻ cho sản phẩm du lịch của chúng tôi và chúng tôi quyết tâm sẽ tạo dựng được sản phẩm du lịch độc đáo, đủ sức hút tạo nên khác biệt so với các sản phẩm du lịch đại trà hiện nay để mời gọi khách nước ngoài đến vùng cao”- bà Bùi Thùy Giang khẳng định.
Đại dịch COVID-19 tạm lắng, mở ra nhu cầu mới cho du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách châu Âu và du khách Ấn Độ: du lịch “chữa lành”. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói, xu hướng du lịch trải nghiệm, đặc biệt là trải nghiệm sinh thái và văn hóa đang rất được đối tượng khách này ưa chuộng, là phương pháp “chữa lành” sau tác động lớn của đại dịch. Đó là cơ hội lớn cho du lịch miền núi.
Để nắm bắt được cơ hội này, Sở VH-TT&DL cùng các địa phương phải nhanh chóng xác định được “báu vật du lịch” của mình là cái gì, đang ở đâu. Song hành với đó, phải nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông, nâng cấp hạ tầng dịch vụ phù hợp nhu cầu du khách.
“Chúng ta phải huy động được nguồn lực của cả cộng đồng doanh nghiệp, xã hội hóa mạnh mẽ để phát hiện nguồn tài nguyên, định lượng du khách, triển khai các hoạt động xúc tiến.
Chính quyền cũng nên có cơ chế đột phá trong hợp tác công tư. Đây là nền tảng để đưa được các doanh nghiệp mạnh, khai thác nhanh, sâu, đúng hướng vào các thị trường khách mà chúng ta đã chọn” - ông Cao Chí Dũng nhấn mạnh.
Những quyết tâm đang được củng cố. Mới đây, Sở VH-TT&DL cũng đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và các sở ngành, đại diện các địa phương để nhận diện những cơ hội, phác thảo chiến lược cho du lịch miền núi thời gian đến. Đó cũng là cách để đón đầu xu hướng, tạo dựng được nhiều con đường du lịch, nơi khách ngoại sẽ có nhiều lựa chọn về điểm đến ở miền núi trong hành trình trải nghiệm của mình.