[eMagazine] – "Chạy đua" giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia
(QNO) – Hai chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) có nguồn vốn tập trung lớn nhất cho Quảng Nam là giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực phân bổ khá lớn cho các địa phương miền núi nhưng thực hiện chậm, hoặc không thể thực hiện, nhiều dự án đối diện với việc phải trả lại nguồn lực cho Trung ương do không đáp ứng tiến độ.
Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2022 chuyển sang và năm 2023 hơn 1.148 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt 23,4%, nguồn vốn đầu tư giải ngân đạt 31% kế hoạch vốn.
Theo rà soát của Sở LĐ-TB&XH vào tháng 10/2023, đối với khối sở, ngành của tỉnh, trong tổng vốn năm 2023 được bố trí thì các đơn vị cam kết giải ngân đến 31/12/2023 số tiền hơn 46,6 tỷ đồng, đề nghị điều chuyển, nộp trả/hủy dự toán hơn 8,2 tỷ đồng. Đối với khối huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất nộp trả, điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân với tổng kinh phí hơn 71,7 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho rằng, nhiều đợt kiểm tra của tỉnh, của sở thì các ngành và các địa phương đã tập trung thực hiện tốt chính sách giảm nghèo chung của quốc gia theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, y tế, giáo dục, nhà ở, trợ giúp pháp lý... Tuy nhiên nguồn vốn lại khó tiêu ở một số dự án, tiểu dự án của chương trình vì nhiều lý do khác nhau.
Năm 2022, Trung ương chưa phân bổ vốn thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 3 về cải thiện dinh dưỡng và Dự án 5 về hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, dẫn đến kéo qua năm 2023, dồn nguồn vốn lớn nên khó tiêu hết.
Một số nội dung triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình yêu cầu phải thực hiện khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến đề xuất của chính quyền địa phương, cơ sở, người dân nên tốn nhiều thời gian, công sức; một số dự án, trung ương chậm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện đã ảnh hưởng đến việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, công tác chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và phân bổ vốn thực hiện tiểu dự án có liên quan.
Quảng Nam có 70 xã đặc biệt khó khăn với 230 thôn thụ hưởng đối với các chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn này, Quảng Nam đã xây dựng đề án, trình Ủy ban Dân tộc Quốc hội phê duyệt với tổng nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương trên 2.000 tỷ đồng.
Từ năm 2022 và đầu năm 2023, Quảng Nam bắt đầu được phân bổ vốn trên 1.200 tỷ, trong đó vốn đầu tư trên 600 tỷ và vốn sự nghiệp gần 600 tỷ bao gồm nguồn Trung ương và đối ứng địa phương.
Ông ALăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, trong số hơn 1.200 tỷ đồng, có hơn 95% phân bổ cho các huyện miền núi. Đây là chương trình lớn, Chính phủ và Ủy Ban Dân tộc cũng có nhiều văn bản chỉ đạo theo từng dự án, tiểu dự án để hướng dẫn. Lãnh đạo tỉnh bám sát đôn đốc, địa phương vào cuộc, nên hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư đạt khoảng 50%, nhưng vốn sự nghiệp mới chỉ đạt trên 8%.
Theo ông Mai, các địa phương thụ hưởng chương trình dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc thực hiện còn chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn thấp. Nguyên nhân là cuối năm 2022, Trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, nên việc tổ chức thực hiện các chương trình ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các mục tiêu của năm 2022. Các cấp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận, tham mưu tổ chức thực hiện.
Nhìn nhận thực tiễn triển khai, ông Mai cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi chưa chặt chẽ; một số chỉ tiêu thực hiện còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động có việc làm của xã qua đào tạo ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao còn thấp; một số chỉ tiêu, tiêu chí mới chạm ngưỡng, thậm chí sau đánh giá còn bị rớt chuẩn...
Đáng chú ý, một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022 như hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý... Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm.
Giải ngân… 0 đồng
Được bố trí hơn 4,2 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp cho Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để đầu tư để đầu tư mô hình giảm nghèo, phương thức sản xuất theo mô hình hỗ trợ sản xuất theo cộng đồng, song tới tháng 9/2023, Nam Giang chưa giải ngân được bất cứ đồng nào trong tổng vốn được giao năm 2023.
Đối với dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, năm 2023, huyện Nam Giang giao UBND các xã Cà Dy, Tabhing, ChaVal, LaDêê, Đắc Tôi làm chủ đầu tư tiểu dự án 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với số tiền hơn 5,9 tỷ đồng để đầu tư mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản, heo địa phương, gà trên địa bàn toàn huyện. Nhưng Nam Giang mới chỉ tổ chức họp tổ thẩm định các mô hình, giao các địa phương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ ban đầu.
Năm 2022, UBND huyện Nam Giang giao cho Phòng LĐ-TB&XH huyện được giao chủ đầu tư dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với số vốn sự nghiệp hơn 580 triệu đồng để đầu tư đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập trên địa bàn toàn huyện.
Ngoài ra, huyện Nam Giang chủ trương phương án tổ chức đào tạo nghề, liên kết đào tạo với Trường Cao đẳng THACO, kết hợp với xuất khẩu lao động đi làm việc tại Lào 38 lao động, với tổng dự toán kinh phí hơn 107 triệu đồng (gồm tiền ăn, tiền xe và chi phí đào tạo nghề).
Tuy nhiên, do việc chưa xác định đầy đủ, cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH không thể giải ngân kinh phí hai tiểu dự án dù rằng đã tổ chức đào tạo. Đối với tiểu dự án 2 về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nguồn vốn bố trí hơn 187 triệu đồng nhưng cũng không thể giải ngân. Lý do là người lao động không cung cấp hợp đồng lao động, hóa đơn chứng từ theo quy định.
Lúng túng thực hiện
Có nhiều dự án, tiểu dự án ở cơ sở không thể thực hiện được, vì thiếu những hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương nên địa phương không dám thực hiện vì... sợ sai. Chẳng hạn trong Chương trình MTGQ giảm nghèo bền vững, tiêu chí xác định “người lao động có thu nhập thấp” làm cơ sở xác định đúng đối tượng thực hiện các chính sách hỗ trợ trong chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể "thu nhập thấp" là căn cứ vào đâu, mức thu nhập từng vùng thế nào cho đúng.
Theo quy định hiện nay, hướng dẫn xác định cho hộ gia đình làm nghề nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình chứ chưa có căn cứ điều tra, rà soát xác định hộ gia đình có mức sống trung bình toàn xã hội. Đối với việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại đối với nhóm đối tượng hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp khi tham gia học nghề theo quy định tại Tiểu dự án 1 - Dự án 4 hiện nay cũng chưa có hướng dẫn, nên nhiều địa phương trong toàn tỉnh được thụ hưởng từ chính sách này cũng chưa thể giải ngân nguồn hỗ trợ.
Theo ông Hồ Xuân Khanh – Chánh Văn phòn Điều phối chương trình giảm nghèo tỉnh, với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, nhất là hướng dẫn rõ nội dung đấu thầu để mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (liên kết theo chuỗi giá trị, cộng đồng) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đối với trường hợp chủ trì liên kết là các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và đại diện cộng đồng dân cư. Vì thế mà việc thực hiện ở địa phương rất lúng túng, khó thực hiện.
Ở cả 2 chương trình giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các tiểu dự án, dự án về giáo dục nghề nghiệp, việc làm trong năm 2022 chưa thực hiện được, năm 2023 dồn nguồn của cả 2 năm, đặc biệt là nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho các địa phương nên hầu như các địa phương không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí này trong năm 2023.
Đồng hành với các địa phương trong thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các sở, ngành và UBND tỉnh đều đang ráo riết bám cơ sở, đôn đốc thực hiện bằng rất nhiều giải pháp đồng thời. Quảng Nam cũng đồng thời kiến nghị Quốc hội có những xem xét để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Từ khi triển khai các chương trình MTQG, ở cấp tỉnh đã tổ chức 30 buổi làm việc, 8 đợt giám sát của UBND tỉnh với các địa phương để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn. Ở cấp huyện, các địa phương cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc kết quả triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn. Từ sự sát sao này mà những vướng mắc liên tục được kiến nghị, để từ đó UBND tỉnh kiến nghị đến các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ để cơ sở thực hiện.
Tùy mỗi chương trình thì mỗi sở ngành chịu trách nhiệm đôn đốc thực hiện, tuyên truyền nhân dân, toàn xã hội nơi thụ hưởng chính sách cùng vào cuộc. Ở huyện miền núi, đội ngũ người có uy tín được đưa đi học tập kinh nghiệm từ các địa phương để phát huy tính tiên phong, gương mẫu, kêu gọi người có uy tín trở thành “đầu tàu” trong triển khai các chương trình MTQG.
[VIDEO] - Các Chương trình MTQG giúp đồng bào miền núi ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững:
Trong khi đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trương Thị Lộc khẳng định còn rất nhiều khó khăn khi cùng một thời điểm triển khai 3 Chương trình MTQG, nguồn kinh phí phân bổ thực hiện rất lớn, nên khối lượng công việc quá tải do nhân lực hạn chế, có nơi không đáp ứng yêu cầu.
Có huyện miền núi nhân sự của phòng Kinh tế hạ tầng không đủ để thẩm định các dự án đầu tư cho kịp tiến độ; phòng LĐ-TB&XH thì có từ 6-9 biên chế nhưng có nơi không có vị trí việc làm công tác giảm nghèo bền vững, phần lớn kiêm nhiệm nhiều việc, lại thường xuyên thay đổi, nhất là ở miền núi cao. Sự chung tay từ chính quyền đến người dân lại được tiếp sức thêm bởi các nguồn lực đầu tư, thì dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giảm nghèo của năm này. Dù có thể từ nay đến cuối năm ảnh hưởng của thời tiết sẽ khiến việc thực hiện các dự án, chương trình thêm khó khăn, nhưng quyết tâm thì luôn đặt ở mức cao nhất để đạt được kết quả khả quan nhất.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo chi tiết kế hoạch vốn đã phân bổ, giải ngân, các tồn tại, vướng mắc liên quan, kế hoạch giải ngân trong thời gian tới và đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân cho UBND tỉnh đối với từng Chương trình MTQG.
Ông Tuấn khẳng định việc giải ngân chậm, ngoài nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan như công tác chỉ đạo thực hiện của một số đơn vị còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu, công tác thẩm định chưa đảm bảo thời gian quy định. Nguồn vốn chỉ điều chuyển khi rơi vào trường hợp bất khả kháng, nơi nào, dự án nào chưa giải ngân thì các sở ngành, địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án để đảm bảo căn cứ phân bổ hết kế hoạch vốn còn lại theo quy định.
Ông Tuấn cũng yêu cầu, với các dự án, thì mỗi đơn vị được giao nguồn vốn phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, chương trình và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và định kỳ báo cáo giao ban để bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, chương trình, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Các sở chuyên ngành phụ trách từng dự án, chương trình phải bám sát cơ sở, có văn bản trả lời cho các đơn vị về việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc và các kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Theo ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ngoài giao vốn đầu tư cho địa phương theo giai đoạn, cần quan tâm tổ chức tham quan học hỏi mô hình nông thôn mới kiểu mới, tuyến đường đẹp điển hình giữa các huyện miền núi để địa phương học hỏi nhân rộng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, tiểu dự án trong Chương trình MTQG.
Với huyện Nam Trà My, nhiều dự án đầu tư vướng vào quy hoạch 3 loại rừng nên không thể thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, khó khăn này chỉ có thể tháo gỡ ở cấp Trung ương. Kiến nghị đã được huyện Nam Trà My, UBND tỉnh, và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp nhận, đang phối hợp với các bộ ngành trung ương rà soát lại để có thể đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng những khu vực rừng sản xuất chứ không phải rừng tự nhiên.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, nhiều kiến nghị đã được UBND tỉnh, các bộ ngành trung ương lắng nghe, từng bước tháo gỡ để các địa phương có thể thực hiện các dự án, tiểu dự án của từng chương trình đang đầu tư cho miền núi. Ví dụ như Nam Trà My có vướng mắc trong đấu nối dự án cầu treo từ Quốc lộ 40B qua làng Tắc Rối, nên phải điều chỉnh thiết kế cầu treo này. Đây là dự án cầu treo cần thiết cho đời sống người dân ở làng Tắc Rối, nên các sở, ngành của tỉnh đang hỗ trợ huyện trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế để có thể xây dựng được cầu treo này.