Yêu quê xứ từ sử sách
Nếu tính từ cuốn “Ô Châu cận lục” (hoàn thành từ năm 1553) của Dương Văn An (1514-1591), thì xứ Quảng đã đi vào sách vở từ 470 năm trước. Còn nếu tính từ cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621” của Cristophoro Borri (1583-1632), thì đã hơn 400 năm. Trong bể cả thông tin về xứ Quảng xưa, thử chọn ra vài điều để chia sẻ cùng độc giả.
Về sản vật
Sau khi chiếm từ Nam Thuận Hóa đến đèo Cù Mông, năm 1471, vua Lê Thánh Tông cho lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 - thừa tuyên Quảng Nam. Còn gọi là thừa tuyên 13. Lúc này gọi là Quảng Nam lớn, vì gồm 3 phủ Thăng Hoa (nay là Quảng Nam), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Hoài Nhơn (Bình Định).
Trước đó, về mặt hành chính, năm 1466, cả nước chỉ có 12 đạo, từ Lạng Sơn vô tới Thuận Hóa. Từ khi có “Quảng Nam lớn”, Việt Nam không chỉ gia tăng đáng kể về diện tích, mà còn tiếp nhận thêm nhiều điều mới mẻ, phức tạp, trong đó có đối ngoại (với Chăm, Hoa, Ấn Độ và phương Tây), với các tôn giáo mới (du nhập từ phương Tây và tiểu Ấn Độ), chữ quốc ngữ, hàng hải và các hải đảo (có cả Trường Sa và Hoàng Sa)…
Đến năm Hồng Đức thứ 21 (1490), Lê Thánh Tông lại sửa đổi thừa tuyên trong cả nước thành xứ. Quảng Nam xứ ra đời. Rồi về sau đổi thành trấn Quảng Nam (1520), doanh/dinh Quảng Nam (1602)… Dù tên gọi hành chính có khác nhau, thì Quảng Nam lớn vẫn như vậy, vẫn trải dài từ bờ Nam sông Thu Bồn cho đến phía bắc của đèo Cù Mông.
Dã sử và dân gian trong hơn 300 năm này đã không ít lần gọi xứ Quảng Nam là “nước Quảng Nam”, vì độ rộng lớn, sự thịnh vượng và tự chủ trong nhiều mặt trọng yếu. Sách “Dư địa chí” (thế kỷ 15) của Nguyễn Trãi và “Xứ Đàng Trong năm 1621” của Cristophoro Borri đều gọi Quảng Nam là đất phên giậu, “xứ tự trị” của Đại Việt. Có không ít nghiên cứu cho thấy rằng khi nói đến xứ Đàng Trong thì cũng gần như nói về Quảng Nam lớn, vì Quảng Nam xứ là chủ đạo, bao trùm gần hết.
Quảng Nam nhỏ/hẹp bắt đầu từ khi Gia Long lên ngôi, tiến hành cải cách hành chính (1803) cho cả nước. Quảng Nam lớn được chia thành 3 dinh nhỏ, trong đó hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa được tách ra, nhập thành dinh Quảng Nam, diện tích gần bằng như ngày nay. Còn phủ Tư Nghĩa thành dinh Quảng Ngãi, phủ Quy Nhơn thành dinh Bình Định.
Năm 1535, thuyền trưởng người Bồ Đào Nha António de Faria từ Mã Lai đi Nam Trung Hoa, đã ghé vũng Trà Sơn để lấy nước ngọt, củi đốt. Ông đã ngạc nhiên trước phong cảnh và sản vật nơi đây, nên đã ghi chép cẩn thận.
Từ những ghi chép của ông, mà năm 1540 đã có những thuyền buôn người Bồ Đào Nha đến Hội An giao thương, mua sản vật. Năm 1576, Minh Mục Tông (Trung Hoa) mở “hải cấm”, cho phép thường dân xuất dương buôn bán. Một - hai năm sau, thương nhân Trung Hoa xuất hiện khá nhiều ở Hội An.
Theo “Ô Châu cận lục”, thế kỷ 16 huyện Điện Bàn (tương ứng với nửa phía bắc tỉnh Quảng Nam và một phần Đà Nẵng ngày nay) lúc ấy thuộc phủ Triệu Phong, có 66 làng. Qua các sách sau đó như “Hải ngoại kỷ sự” (thế kỷ 17), “An Nam cung dịch kỷ sự” (thế kỷ 17), “Trú vĩnh biên” (thế kỷ 17)… cho thấy dấu vết của người Hoa, người phương Tây, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên… đã xuất hiện tại nhiều thôn làng ở phủ Triệu Phong. Mục đích chính vẫn là mua sản vật và buôn bán.
Lê Quý Đôn ghi chép về vàng bạc, kỳ nam, trầm hương và các dược liệu quý hiếm của xứ Quảng trong “Phủ biên tạp lục” (1776). Sách có đoạn: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi thuyền đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập ở đấy để mua về nước”.
Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806), thổ sản xứ Quảng được ghi như sau: “Mỏ vàng, mỏ sắt, lụa sống, tơ, tơ trắng, gấm, đường cát, quế, chạm khắc đá, đũi, lụa trắng, bông vải, đường phèn, than bùn, thông, trầu núi, dầu phụng, vượn, tê giác, tre, củ ấu, trái lòn bon, hươu, khỉ, voi. (tờ 36a, quyển 5, chữ Hán, trang 287 bản dịch năm 2021).
Về nghĩa khí
Năm 1572, sách “Đại Nam thực lục tiền biên”, có đoạn: “Bấy giờ chúa Nguyễn Hoàng ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến ngày càng nhiều. Hội An trở thành một nơi đô hội lớn”.
Sách “Xứ Đàng Trong năm 1621” có 13 chương, thì dành hẳn các chương riêng về sản vật và tính tình. Ví dụ chương 2 về khí hậu và đặc tính lãnh thổ; chương 3 về đất đai phì nhiêu; chương 4 về voi và tê giác; chương 5 về tính tình, phong tục, lối sống; chương 8 về thương mại và các hải cảng; chương 9 về các linh mục và nhà thờ Thiên Chúa giáo… Trong quá trình truyền đạo và xây dựng chữ quốc ngữ, nhiều cha xứ ngạc nhiên về tính tình thân thiện và hiếu học của dân chúng, đặc biệt là trẻ em xứ Quảng.
Cristoforo Borri viết: “Nhờ lòng tử tế bẩm sinh và những tập quán bình dị mà họ tạo được khối đoàn kết tinh thần hoàn hảo, họ cư xử thân tình như anh em một nhà, ngay cả chưa từng gặp gỡ hoặc quen biết. Nếu ai đó ăn một thứ gì mà không chia cho mọi người xung quanh một miếng nhỏ thì sẽ bị mang tiếng là ti tiện. Bản năng tự nhiên của họ là thiện lương và trên hết phải tử tế với người nghèo khổ, họ không bao giờ từ chối bố thí cho những người cần, đó được coi như là bổn phận”.
Trong cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (1651), dấu ấn của xứ Quảng rất nhiều; trong lời tựa, linh mục Alexandre de Rhodes đã tri ân người bản xứ, trẻ nhỏ (xứ Quảng) và linh mục Francisco de Pina đã giúp ông học tiếng Việt.
Trong “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (1806), phong tục xứ Quảng được ghi: “Học trò cần mẫn, cầu tiến, tính dân yên phận với ruộng vườn, đất tốt, phong tục thuần hậu, ít trộm cướp, hình án đơn giản”.
Thế nhưng, khi cần nghĩa khí hoặc xả thân vì đại cuộc, thì người Quảng cũng đi đầu. Giữa thế kỷ 17, khi chính quyền Đàng Trong lũng đoạn, tham nhũng, thuế khóa tăng cao, làm khổ dân chúng, thì dân Quảng đã hưởng ứng ngay phong trào Tây Sơn. Mùa thu năm 1773, khi quân Tây Sơn kéo ra Quảng Nam, nhân dân và nghĩa quân ở đây đã theo cùng để đánh bại quân của chúa Nguyễn, lật đổ tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, góp sức lớn trong việc thống nhất đất nước. Tinh thần ấy còn thấy rõ trong thế kỷ 19 và 20.
Sản vật và con người mỗi thời mỗi khác, nhưng nghĩa khí hoặc xả thân vì đại cuộc thì gần như thời nào Quảng Nam cũng nổi trội, ấy là điều đáng gìn giữ cho nhiều thế hệ mai sau vậy.