Cũ, cổ và sáng tạo
Chỉ 1 ngày sau khi nhận tin vui từ Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), đường phố Hội An náo nhiệt với các đoàn diễu hành chào mừng. Trong đoàn diễu hành vào buổi sáng đầu tháng 11, có các nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân. Trở thành thành viên UCCN, dĩ nhiên đấy là niềm vui lớn, niềm vui chung.
Hội An vừa có thêm danh hiệu toàn cầu, để nối dài danh mục của “thành phố danh hiệu”. UNESCO xem xét ghi danh các thành phố tham gia mạng lưới này ở 7 lĩnh vực sáng tạo.
Với Hội An, đó là thủ công và nghệ thuật dân gian. Đà Lạt (được công nhận cùng thời điểm với Hội An) là lĩnh vực âm nhạc, còn Hà Nội (công nhận năm 2019) là thiết kế. Bốn lĩnh vực còn lại gồm điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông.
Xét ở khái niệm, “thành phố sáng tạo” (creative city) được định nghĩa là nơi con người với tính sáng tạo trở thành “tài nguyên” quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Lúc đó, những “tài nguyên” truyền thống như thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, danh tiếng trong quá khứ… không còn đóng vai trò quyết định nữa.
Còn với Hội An, khi danh vị “thành phố sáng tạo của UNESCO” được xướng lên, chúng ta nghe nhắc nhiều đến cụm từ “hệ sinh thái các làng nghề” và “tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời”. Bởi trên chính “mảnh đất” ấy, “hạt mầm” thủ công mỹ nghệ mới nảy nở, các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo mới được thắp lửa.
Quả vậy, Hội An - nơi hội tụ những điều an lành - đã là chốn tụ hội của những con người ưa thích cái mới, truyền cảm hứng và thỏa sức sáng tạo. Tụ hội từ khi phố Hội tấp nập trên bến dưới thuyền của một thương cảng quốc tế…
Ngẫm lại, Hội An không luống tuổi đến nỗi “món ăn địa phương riêng biệt cũng mệt mỏi không có sức đi xa”, không còn là cụ già “lẩm cẩm ngày ngày lơ mơ nghiền ngẫm các kỷ niệm cũ và kiểm điểm các kỷ vật xưa”… như nhà văn Tràng Thiên từng hình dung trong tùy bút Hội An viết năm 1966. Cũng chính nhà văn này nhận ra vị thế đặc biệt của vùng đất mở trong quá khứ.
“Và trong hoàn cảnh ấy, những người trí thức sống ngay tại chỗ cửa ra vào của ngoại kiều tứ xứ như Hội An có được một lợi thế lớn lao biết chừng nào. Ở đó, đá tảng đá khối người ta còn chở tới được, kể gì sách!”, Tràng Thiên viết.
Bóng dáng người trí thức ngày xưa giờ thấp thoáng trong những con người sáng tạo thời nay. Tất cả góp phần làm nên danh xưng mới cho phố cổ ở thế kỷ 21… Nhưng cũng như nhiều chuyên gia đã phân tích về khái niệm “thành phố sáng tạo”, sự sáng tạo không chỉ có ở tầng lớp nghệ sĩ, kỹ sư, doanh nhân, người làm công việc trí óc mà tồn tại ở mọi người, biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người để tạo nên bản sắc.
Hội An, cổ nhưng không cũ. Không cũ, nên biết tiếp cận cái mới - cái mới mang tính chuyển động, có kế thừa, sáng tạo. Từ “ancient town” (phố cổ) đến “creative city” (thành phố sáng tạo) là cả một hành trình dài mấy thế kỷ của Hội An.
Và kể từ nay, cộng đồng quốc tế sẽ còn dõi theo hành trình ấy để xem những cam kết mà địa phương đưa ra khi gia nhập UCCN được thực thi đến đâu, định vị thương hiệu như thế nào, giá trị và lợi ích mang lại cho cộng đồng ra sao...
Hai chữ “Hội An” có lẽ giờ nên được hiểu rộng hơn: nơi lan tỏa sự bình yên từ sức sáng tạo bền vững. Lại nhớ các cuộc diễu hành hồi đầu tháng 11 để biểu thị niềm vui chung với danh vị mới của Hội An.
Để vinh danh những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại, có thể biểu thị bằng niềm vui chung; song ở thì tương lai, niềm vui ấy cần được cụ thể hóa, hiện thực hóa, cầm nắm được... Đấy cũng là một tiêu chí để đo đếm về tính sáng tạo đối với chủ nhân của thành phố sáng tạo.