Học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng: Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động
Nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện nghiêm túc, chất lượng ngày càng nâng lên. Đáng chú ý, toàn Đảng bộ tỉnh đã tổ chức sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.
Xu thế không thể đảo ngược
Đầu tháng 10/2023, Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về tìm hiểu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với 30 bài tham luận và phát biểu thảo luận của giảng viên nhà trường đã tập trung luận giải sâu sắc ở từng nội dung; đồng thời, khẳng định cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm quan trọng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Tác phẩm này không chỉ mang tính lý luận cao mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn.
Theo ông Đoàn Xuân Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, cuốn sách đã tổng kết được những kinh nghiệm quý báu trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Cuốn sách là “cẩm nang” về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực ở nước ta. Qua cuốn sách này, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu rõ hơn về quan điểm, đường lối và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.
“Cuốn sách đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, là cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” trong cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách đã đáp ứng đúng, trúng những trăn trở về các vấn đề tham nhũng, tiêu cực - là lực cản trên con đường đổi mới, phát triển của đất nước” - ông Phú bày tỏ.
Từ việc nghiên cứu cuốn sách của Tổng Bí thư, ThS.Ngô Tuấn Vinh - Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật (Trường Chính trị tỉnh) cho rằng, giảng viên cần vận dụng lồng ghép những nội dung, giá trị của tác phẩm này vào giảng dạy như một sự khẳng định “đấu tranh PCTN, tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược và những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
Việc phát triển lý luận về PCTN, tiêu cực cho đội ngũ cán bộ, công chức qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh sẽ góp phần định hướng rõ hơn về nhận thức, tư duy, trách nhiệm, củng cố niềm tin, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành những cán bộ giàu phẩm chất đạo đức cách mạng và có khả năng giải quyết tốt các vấn đề phức tạp trong công tác PCTN, tiêu cực.
Kết quả đáng ghi nhận
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra đánh giá kết quả nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khóa XIII trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cùng với việc xây dựng các kế hoạch tham dự 5 kỳ hội nghị trực tuyến do Trung ương tổ chức, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, ban hành các kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền 19 văn bản, 3 chuyên đề của Trung ương và 22 văn bản của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ngoài ra, toàn Đảng bộ tỉnh đã tổ chức sâu rộng các đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” theo Kết luận số 21 ngày 25/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tổ chức hội thảo khoa học, đồng thời triển khai học tập, nghiên cứu nội dung cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; sinh hoạt nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo mở đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức hội nghị quán triệt cho hơn 10.000 cán bộ, đảng viên về nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, xác định nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khóa XIII là nhiệm vụ hàng đầu của công tác chính trị, tư tưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân.
Đặc biệt, việc ban hành các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khóa XIII được thực hiện khẩn trương, kịp thời, đảm bảo tính hiệu quả, cụ thể trong thực hiện. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo...
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, tuyên truyền, triển khai các văn bản của Đảng và khắc phục bệnh lười học nghị quyết ở một số cán bộ, đảng viên, đồng chí Lê Văn Dũng cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng khóa XIII.
“Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ.
Sau mỗi kỳ hội nghị, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú ý chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết, rút kinh nghiệm. Từ đó, đề ra biện pháp khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, qua loa, đại khái; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân” - đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh.