Xu hướng du lịch mới, làm gì để khai thác tốt?
(VHQN) - Nhu cầu du lịch của con người đã có sự thay đổi rất lớn về hành vi, tâm lý và lựa chọn điểm đến. Xu hướng khách du lịch theo đoàn đã và đang giảm nhanh, khách theo xu hướng tự đi và tìm kiếm thông tin theo nhóm nhỏ - loại khách du lịch lẻ và gia đình chiếm tỷ lệ cao.
Theo khảo sát của các đơn vị lữ hành, khách đi lẻ chiếm hơn 70% trong cơ cấu khách hiện nay. Cùng với đó là sự phát triển công nghệ số, các phần mềm và công nghệ Chat GPT, AI đã giúp con người tự tìm kiếm và thiết kế chương trình du lịch hợp lý.
Một số loại hình du lịch đang được lựa chọn nhiều nhất hiện nay: Du lịch Hồi giáo (Halal tourism), bao gồm những hoạt động du lịch dành cho khách Hồi giáo. Du lịch thanh niên (Youth tourism) phục vụ nhu cầu du lịch độc lập có thời gian dưới 1 năm của những du khách trong khoảng độ tuổi 15 - 30.
Một loại hình đáng chú ý nữa là du lịch kết hợp làm việc từ xa (Workcation tourism). Hoặc du lịch chữa lành (Wellness tourism), du lịch cho khách nữ sống đơn thân (PANKS tourism), du lịch về nguồn (Diaspora tourism)... Khai thác tốt các loại hình này sẽ giúp gia tăng lượng khách và doanh thu du lịch đáng kể.
Cần sự đồng hành tốt hơn
Bài toán đặt ra với xu hướng, thị trường khách đang có sự thay đổi, chính là việc định hướng khai thác những loại hình du lịch mới, bên cạnh tiếp tục phát triển các loại hình du lịch truyền thống hút khách. Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam nói riêng và các địa phương trong chuỗi liên kết miền Trung cần phải có các chính sách phù hợp với tình hình mới.
Thời gian qua các địa phương đã có sự liên kết để giới thiệu xúc tiến quảng bá về Miền di sản diệu kỳ. Tuy nhiên nhìn nhận khách quan có thể thấy vẫn còn sự rời rạc và manh mún trong cách tổ chức thực hiện, hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng.
Chương trình liên kết trong hoạt động xúc tiến chỉ dừng lại ở việc tham gia giới thiệu tại một số chương trình, hội chợ nước ngoài. Chưa có vai trò dẫn dắt của đơn vị chủ trì năm liên kết nhằm xác định các địa phương miền Trung là một điểm đến.
Cần có những chiến dịch quảng bá cụ thể về hành trình di sản xuyên suốt các thị trường, trên cơ sở xác định thị trường trọng điểm, thị trường mới mà các địa phương đều có lợi thế khai thác với nền tảng sẵn có để triển khai chương trình có hiệu quả.
Quảng Nam có thế mạnh cốt lõi là di sản văn hóa khu phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn; Huế với giá trị khu di tích cung đình triều Nguyễn, nhã nhạc cung đình, ẩm thực và các làng nghề là then chốt và Đà Nẵng là yếu tố hiện đại, đa dạng và thuận tiện kết nối từ đường bay, cơ sở hạ tầng phát triển, các công trình được thế giới công nhận để tạo thành chuỗi cung cấp “cái thị trường cần”.
Hằng năm, qua phân tích đánh giá thị trường, các địa phương cùng làm một chiến dịch quảng bá đồng bộ từ video, ấn phẩm chung và chia nhau tham gia các hội chợ, roadshow của một thị trường đó liên tục. Ấn Độ là thị trường đang nổi song việc liên kết để khai thác thị trường này chưa thấy rõ góc độ liên kết, cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Liên kết khai thác thị trường khách Hồi giáo
Như đã phân tích ở trên, Du lịch Hồi giáo đang là xu hướng. Ước tính trên thế giới có khoảng 1,57 tỷ người Hồi giáo, gần một phần tư tổng dân số thế giới, hơn 60% dân số Hồi giáo toàn cầu sống ở châu Á.
Khoảng 137,7 triệu người Hồi giáo ở Ấn Độ. Riêng các nước Đông Nam Á, người Hồi giáo chiếm khoảng 16% dân số Hồi giáo toàn cầu. Do đó cần có định hướng về cơ sở vật chất, phòng cầu nguyện, nhà hàng có chứng chỉ Halal sẵn sàng đón khách thị trường này.
Nếu xác định đây là thị trường trọng điểm, cả 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cần kết nối để tạo nền tảng hạ tầng và có chiến dịch quảng bá bắt kịp xu hướng thị trường.
Cần cùng xây dựng chương trình xúc tiến tham gia 4-5 hội chợ và roadshow liên tục ở thị trường tiềm năng để các kênh thông tin từ lữ hành đến người dân của thị trường Halal của Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á biết đến 3 địa phương.
Các địa phương chia sẻ nguồn lợi tham gia hỗ trợ mở các đường bay từ Ấn Độ, Indonesia, Philippines… đến với khu vực miền Trung, từ đó mới có thể tạo nên lợi thế chung và riêng trong vùng.
Đối với các thị trường mới, ngành du lịch cần có sự thay đổi tư duy và đầu tư bài bản ngay từ đầu. Do đó việc tạo một chiến dịch quảng bá ấn tượng và sự chuẩn bị chu đáo từ hạ tầng đến đào tạo nhân viên cần có liên kết chặt chẽ từ phía chính quyền, hiệp hội du lịch và cộng đồng người dân của 3 địa phương.
Mỗi chuyên gia thị trường Halal phải đào tạo một lúc cho cộng đồng doanh nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ của 3 địa phương để giảm chi phí thời gian và cùng hành động mới tạo chất lượng đồng bộ.
Trong bối cảnh mới, phải thích ứng và hành động cần linh hoạt, liên kết cần chặt chẽ và đúng ý nghĩa thì sản phẩm mới theo đúng xu hướng và hiệu quả. Điều đó hơn bao giờ hết cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng người dân của 3 địa phương để thực sự tạo nên một hành trình về miền di sản hấp dẫn và sớm đưa ngành du lịch 3 địa phương phát triển vượt qua thời kỳ khó khăn, hướng đến phát triển bền vững.