Lúng túng xử lý tình trạng muối hóa gạch tháp Chăm Khương Mỹ
(QNO) – Sau gần 5 tháng nghiên cứu hiện tượng muối hóa trên bề mặt gạch trùng tu nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Núi Thành), Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kết luận, nguyên nhân xuất hiện tình trạng trên do vị trí tháp nằm gần biển.
Theo báo cáo của Trung tâm Tư vấn chống ăn mòn và xây dựng (thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng) vừa gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa Khương Mỹ), ngày 21/6/2023 đơn vị này bắt đầu tiến hành nghiên cứu các mẫu gạch mang về từ ngôi tháp Bắc Khương Mỹ.
Kết quả phân tích cho thấy, đất sản xuất gạch phục chế có hàm lượng muối hòa tan rất thấp nên không chứa tác nhân gây muối và mủn gạch. Do đó, gạch phục chế đưa vào tháp hầu như không chứa muối hòa tan nên không phải nguyên nhân để khối xây mới bị nổi muối và mủn.
Ngược lại, trên bề mặt gạch tháp Khương Mỹ tồn tại lượng muối hòa tan rất lớn. Theo nước mưa và dẫn ẩm, lượng muối này tràn vào bề mặt khối xây mới. Khu vực ăn mòn lây lan xuất hiện mạnh ở mặt ngoài khối xây, mặt trong tốc độ xâm lấn chậm. Vùng chịu tác động mạnh nhất của ăn mòn do muối hòa tan là vùng tiếp giáp giữa hai khối xây cũ và mới vì khu vực này thường xuyên duy trì độ ẩm lớn.
“Từ những thông tin ghi nhận tình trạng của tháp Khương Mỹ trước khi tu bổ về hiện tượng mủn gạch, nổi muối trắng, rêu xanh và sự xuất hiện trở lại của chúng ở các khối xây mới, có thể nhận định đây là hiện tượng có tính phổ cập và tồn tại ở mọi khối xây tháp Champa dọc khu vực ven biển và trong khu vực ăn mòn khí quyển biển (tùy theo khoảng cách đến bờ biển), nhất là khi có sự xuất hiện của các yếu tố liên quan như nhiệt độ (dao động quanh 32,5 độ C) và độ ẩm (dao động quanh 85%)” - nội dung báo cáo nêu.
Tháp Khương Mỹ cách bờ biển khoảng 7km đường chim bay. Trước đó, hồi tháng 5/2023 (sau 6 tháng bàn giao Dự án bảo tồn nhóm tháp Khương Mỹ) trên bề mặt nhiều gạch phục chế trùng tu xuất hiện tình trạng nổi muối trắng, rêu mốc, nổi vẩy và mủn gạch. Những hiện tượng này được lý giải liên quan đến mạch nước ngầm dưới chân tháp, hơi nước thoát lên dẫn đến rêu mốc phát triểnThiếu giải pháp lâu dài
Một số ý kiến cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay không chỉ tìm ra nguyên nhân mà là giải quyết triệt để tình trạng muối hóa và mủn gạch tại nhóm tháp Chăm Khương Mỹ, nhất là tình trạng ẩm thấp, bốc hơi nước trong lòng tháp. Dù vậy, báo cáo kết quả phân tích gạch Chăm tháp Khương Mỹ thừa nhận, việc xuất hiện muối và mủn gạch là hiện tượng khách quan, đặc biệt dường như không thể khắc phục được nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.
Theo Viện Khoa học công nghệ xây dựng, trước mắt cần thực hiện các giải pháp đồng thời gồm vệ sinh định kỳ bề mặt khối xây phục chế nhằm loại bỏ lượng muối bám trên bề mặt, giảm bớt nguy cơ muối tích tụ ăn sâu vào khối xây. Thay thế cục bộ một số viên gạch bị mủn ở vùng tiếp giáp giữa khối xây cũ bằng gạch nung già nhiệt độ cao (1.000 – 1.050 độ C).
[VIDEO] - Hiện tượng gạch bị mủn và nổi muối tại nhóm tháp Chăm Khương Mỹ:
Từ hơn 10 năm trước, các chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra nhận định dưới chân tháp Khương Mỹ có mạch nước ngầm. Tiếp đến, Trung tâm Quản lý Di tích và danh thắng Quảng
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Trí Công nhận xét, cách làm của Viện Khoa học công nghệ xây dựng hiện nay theo quy trình ngược. Nghĩa là tu bổ xong mới tiến hành nghiên cứu vật liệu (tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện hiện tượng muối và gây mủn gạch).
“Những giải thích của Viện Khoa học công nghệ xây dựng thể hiện sự vô trách nhiệm, bởi ngay từ đầu nếu nhận thấy hiện tượng muối hóa trong công trình, phải đề xuất khử muối rồi mới trùng tu, chứ không thể trùng tu xong mới nêu nguyên nhân khắc phục. Chưa kể, nếu vì lý do gần biển khiến gạch xuất hiện muối thì quá trình tu bổ sẽ vô nghĩa bởi theo thời gian gạch cũng sẽ mủn nát trở lại” - ông Lê Trí Công nói.
Nhà nghiên cứu này cũng tỏ ra thắc mắc về tính khách quan khi đơn vị thi công cũng đồng thời là cơ quan phân tích các thông số gạch trùng tu…
Trong một trả lời phỏng vấn hồi tháng 5/2023, KTS. Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cảnh báo, hiện tượng rêu, mốc, muối hóa bề mặt xảy ra sau trùng tu tại tháp Khương Mỹ không thể nói là bình thường, hậu quả lâu dài là có thể phá hoại bề mặt gạch, làm mủn gạch. Vì vậy, ngay từ đầu vật liệu tham gia vào quá trình thi công phải được kiểm soát, xử lý triệt để từ đất làm gạch, nhiệt độ nung gạch đến vôi sử dụng trong vữa…
Ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết: "Đơn vị sẽ gửi văn bản đến Viện Khoa học công nghệ xây dựng vào khắc phục, thay thế những viên gạch mủn nát tại nhóm tháp Khương Mỹ. Trước mắt cũng chỉ vậy, về lâu dài (hết thời hạn bảo hành 2 năm) công tác bảo quản, xử lý gạch mủn, muối chưa thể tính được, lúc đó tùy tình hình sẽ tính tiếp".