Hiệu quả hòa giải từ cơ sở
Đội ngũ hòa giải ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn, va chạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Ghi nhận tại thị xã Điện Bàn và TP.Tam Kỳ.
Linh hoạt các phương thức
Ông Lại Thành Minh - Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Nam Hà, xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn) nhìn nhận, trong cuộc sống, việc phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu không được hòa giải, để kéo dài sẽ khiến chuyện nhỏ biến thành chuyện lớn, thậm chí từ dân sự chuyển thành hình sự.
Với quan điểm trên, những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở tại thôn Nam Hà luôn được giải quyết kịp thời, hầu hết vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở địa bàn dân cư đều được hòa giải thành công. Qua 10 năm, khoảng 22 vụ việc đã được Tổ hòa giải thôn Nam Hà hòa giải êm xuôi.
Theo ông Minh, trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, tổ hòa giải thôn đều tổ chức xác minh, nắm rõ tình hình, nguyên nhân xảy ra tranh chấp. Sau đó, sẽ tiến hành mời các bên liên quan đến nhà văn hóa thôn, đặc biệt mời thêm một số người có uy tín ở địa phương cùng tham gia.
Trong quá trình hòa giải, bên cạnh tận tình khuyên nhủ, các thành viên trong tổ cũng nhắc nhở những người có tranh chấp cần giữ thái độ đúng mực, tôn trọng trật tự trị an ở địa phương, không nên kích động tránh tình hình thêm phức tạp...
“Ngoài việc thường xuyên tham khảo ý kiến của cấp trên, nghiên cứu các văn bản pháp luật, khéo léo sử dụng trong quá trình hòa giải, một điều rất quan trọng là tập thể tổ hòa giải luôn có định hướng trước về nội dung vận động hai bên đương sự, tránh trường hợp các thành viên trong tổ hòa giải có ý kiến trái chiều trong quá trình phân tích, giải thích, dẫn đến hiệu quả hòa giải không cao” - ông Minh chia sẻ.
Để hòa giải thành công, trên cơ sở những kiến thức về pháp luật và nghiệp vụ thì việc kết hợp, vận dụng linh hoạt các phương thức hòa giải trên tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng từ các thành viên, nhất là những người có uy tín đã góp phần mang đến thành công, giúp các tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết thuận lợi.
Theo ông Phạm Tuấn - Tổ hòa giải khối phố Tân Mỹ, phường Điện Minh, muốn hòa giải thành công, yếu tố đầu tiên là thành viên trong tổ phải có uy tín trong nhân dân. Tiếp đến, thành viên tổ phải nắm rõ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ việc hòa giải và nhu cầu các bên.
Tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt, dựa trên cơ sở phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong tục tập quán địa phương. Đặc biệt, người hòa giải phải khách quan, công bằng, giải quyết có lý có tình, tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm bình đẳng, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hòa giải.
Thực tế cho thấy, các mâu thuẫn, tranh chấp phần lớn liên quan đến đất đai, môi trường, hôn nhân, gia đình, thừa kế… Bà Nguyễn Thị Thùy Hương - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Điện Bàn cho biết, đến nay toàn thị xã có 140 tổ hòa giải ở cơ sở với 745 hòa giải viên.
Ngoài đảm bảo số lượng, các tổ hòa giải cũng chú trọng đưa những người có uy tín tại cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, các chi hội trưởng các đoàn thể của thôn, khối phố, tổ trưởng các tổ đoàn kết... cùng tham gia.
Đặc biệt, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hòa giải, việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng. Đồng thời lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở vào các phong trào địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện các cuộc vận động, từ đó nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, hạn chế phát sinh những sự việc đáng tiếc có liên quan.
Kịp thời giải quyết mâu thuẫn
Mới đây, vào ngày 1/11, Ban nhân dân thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) cùng lãnh đạo UBND xã và cán bộ địa chính xã đã trực tiếp làm việc với bà Huỳnh Thị Hà và ông Nguyễn Hồng Vân để giải quyết việc tranh chấp đất đai giữa hai bên.
Hai hộ này có nhà liền kề nhau và có xảy ra việc lấn đất giáp ranh. Nên khi ông Vân làm thủ tục xây dựng nhà thì bà Vân không đồng ý, cả hai hộ đã được mời lên trụ sở UBND xã hòa giải nhưng không thành.
Vụ việc chỉ được được giải quyết khi cán bộ địa phương trực tiếp xuống tận nơi, đo đạc, giải thích phân tích và căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai bên để phân định ranh giới. Đúng lý và hợp tình nên cả hai bên đều thống nhất ký vào biên bản hòa giải.
Bà Huỳnh Thị Hà nói: “Nhờ mấy anh ở thôn và xã đứng ra hòa giải thì tôi thấy hợp tình hợp lý, tình cảm xóm giềng cũng là trên hết”. Còn ông Nguyễn Hồng Vân chia sẻ: “Trước tiên tôi thấy địa phương giải quyết đúng theo quy định pháp luật, sau đó là giải hòa tình cảm chị em hàng xóm rất đáng quý”.
Trước cơn sốt đất vùng ven biển, những năm gần đây, xã Tam Thanh là địa phương có số vụ, việc tranh chấp, mẫu thuẫn về đất đai dẫn đến kiến nghị, khiếu kiện nhiều nhất TP.Tam Kỳ.
Các vụ việc đều liên quan đến tranh chấp đất đai giữa các hộ liền kề, mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ do phân chia tài sản, thừa kế… Đây cũng là lĩnh vực phức tạp nhất. Do đó để hòa giải thành, tổ hòa giải của thôn phải trang bị, cập nhật kiến thức pháp luật về đất đai, đối với những vụ việc phức tạp, tổ hòa giải thôn mời cán bộ của xã tham gia tư vấn, giải quyết.
Ông Nguyễn Cao Cường - Trưởng thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh, cho biết: “Để tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, trước hết phải tích cực nắm bắt thông tin từ nhân dân và các bên liên quan.
Từ đó, tổ họp trao đổi nội dung, hướng giải quyết rồi mới mời các bên đến hòa giải. Có những vụ việc chúng tôi mời các ngành liên quan của xã tham gia để đảm bảo thuyết phục về pháp lý. Trong trường hợp vụ việc phức tạp thì kiến nghị lên cấp trên giải quyết”.
Ông Trương Thanh Khôi - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho hay riêng năm 2023, ở cấp thôn của Tam Thanh đã giải quyết thành 3/3 vụ, việc; ở xã đã giải quyết 13 vụ, việc, chỉ có 2 vụ hòa giải không thành.
“Vấn đề hòa giải trong nhân dân được xác định là rất quan trọng. Chính vì vậy khi có thông tin từ cơ sở, chúng tôi giao cho Ban nhân dân thôn tiếp cận hồ sơ và tuyên truyền, vận động giải thích ở cơ sở trước. Những vụ nào phức tạp chuyển về xã thì thực hiện hòa giải và kết hợp với đi thực địa để xác định tính chất vụ việc.
Qua theo dõi ở Tam Thanh, các vụ việc tranh chấp chủ yếu liên quan đến đất đai. Đây là vấn đề phức tạp nên bên cạnh tổ chức hòa giải các vụ việc, chúng tôi tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở từng khu dân cư để nhân dân hiểu rõ quy định của Nhà nước, hạn chế các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn” - ông Khôi chia sẻ.
Hiện nay, cùng với việc trang bị kiến thức cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, TP.Tam Kỳ tổ chức tuyên truyền pháp luật tận cơ sở, tổ chức Ngày hội tư vấn pháp luật tại thôn, khối phố, xã phường và tổ chức hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu pháp luật.
Qua đó, nâng cao kiến thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, hạn chế các vụ, việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, tạo sự đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng dân cư.