Phát triển ngành công nghiệp Quảng Nam theo hướng bền vững, ngày càng hiện đại
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 7549 triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2030 Quảng Nam là tỉnh phát triển khá của cả nước; tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại. Trong đó, mục tiêu cốt lõi là phát triển bền vững ngành công nghiệp Quảng Nam theo hướng hiện đại hóa.
UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cấp huyện tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp. Phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các bon thấp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Khuyến khích các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động dịch chuyển sang các khâu có giá trị gia tăng cao hơn.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến như: công nghiệp cơ khí, sản xuất và lắp ráp ô tô, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; xây dựng Đề án hình thành và phát triển trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 -2025 và các cơ chế về khuyến công của tỉnh, Bộ, ngành Trung ương.
Sở Tài nguyên và Môi Trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, bố trí quỹ đất công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, ưu tiên quỹ đất đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm, hằng năm.
Các ngành, đơn vị nghiên cứu đưa công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ lẻ nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng và triển khai Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Sở khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp thúc đẩy mạnh phát triển các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp, phát triển thị trường công nghệ, thiết bị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tiếp cận các công nghệ mới, thiết bị mới.
Toàn tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn và chủ lực gắn với định hướng phân bố không gian phát triển công nghiệp, vùng động lực phát triển kinh tế, định hướng phát triển kinh tế vùng Đông và vùng Tây, phù hợp với quy hoạch phát triển phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Ngoài ra, các cấp ngành trong tỉnh tập trung thực hiện đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ðổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh, bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.
Đặc biệt là phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Quảng Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tốt an sinh xã hội.