Quảng Nam hướng đến nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
(QNO) - Sáng nay 10/11, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham dự và phát biểu tham luận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, Quảng Nam có bờ biển dài hơn 125km, ngư trường khai thác rộng hơn 40.000km2. Tỉnh có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển với 34 xã có nghề khai thác hải sản với tổng số 2.715 phương tiện, cùng nhiều cửa sông, lạch, lớn nhỏ với khoảng 30.000ha mặt nước, trong đó có khoảng 10.000ha bãi triều thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Phía đông bắc của tỉnh có cụm đảo Cù Lao Chàm, cách TP.Hội An 15km, gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1km2. Phía nam có khu vực vũng An Hòa, mũi Bàn Than, xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Xung quanh các khu vực có các đảo nhỏ, chất lượng môi trường nước phù hợp có thể phát triển nuôi lồng bè.
Với điều kiện thuận lợi cùng với phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước, ngành thủy sản đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Với giá trị sản xuất tăng từ 3.780 tỷ đồng năm 2018 lên 4.373 tỷ đồng năm 2022 (tốc độ tăng bình quân giá trị đạt 3,57%/năm), ngành thủy sản chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động trực tiếp, khoảng 3.000 người lao động gián tiếp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên sinh vật biển đã và đang đứng trước nguy cơ suy giảm, cạn kiệt do nhiều tác động của các hoạt động kinh tế trên đất liền và trên biển. Mặc dù trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã quan tâm và có nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý, song tình trạng dùng kích thước mắt lưới nhỏ quá mức cho phép để khai thác, te điện, lưới kéo... không theo quy định vẫn thường xuyên diễn ra.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung phát triển nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ định hướng đó, bước đầu tỉnh đã có 25 lồng HDPE của 5 hộ gia đình thả nuôi tại khu vực cửa biển, sông nước lợ ở Núi Thành nhằm giảm bớt áp lực từ khai thác hải sản; đồng thời tăng cường xây dựng các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điển hình là công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng tại khu vực biển Rạn Bà Đậu, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) với tổng diện được phân vùng bảo vệ khoảng 64ha. Qua đó, bảo vệ nơi trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, tái tạo, nguồn lợi thủy sản, giữ cân bằng hệ sinh thái môi trường, bảo tồn cảnh quan sinh thái để phát triển khai thác hải sản gắn với phát triển du lịch đem lại thu nhập bền vững cho cộng đồng.