Số hóa... trên mây
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) thẳng thắn, Việt Nam chưa có thể chế hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa; ở những đô thị lớn của đất nước, từ chất thải, rác thải, chống ngập, chống lũ, xây dựng đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng cho tới hệ thống y tế, giáo dục, trình độ văn minh và văn hóa của xã hội… còn ngổn ngang.
Ông cho rằng phải thanh toán những món nợ của cuộc cách mạng công nghiệp 2.0. này, thì may ra mới dần dần tiệm cận 4.0, còn không cứ mãi là tiềm năng và khát vọng.
Đây là nhận định rất sát thực tế.
Bây giờ đi đâu cũng nghe số hóa từ A đến Z, bắt đầu từ cập nhật dữ liệu cá nhân đến quy trình thông minh trong quản lý điều hành. Xong việc đó là khẳng định... là số hóa.
Có nơi vừa tưng bừng rằng mình được phong tặng thành phố thông minh đứng đầu cả nước, rồi thành phố sáng tạo toàn cầu, mà lụt lên dân chạy trối chết; rác thải tràn lan; cứ tan tầm hay đầu giờ làm việc là kẹt đường... Chưa nói số hóa mà văn hóa ứng xử như thời mông muội.
Tôi hỏi một trưởng công an tại một xã miền núi: “Anh nói thiệt, số hóa dữ liệu liên quan đến công việc chỗ anh thế nào?”. Anh thở dài: “Nói thiệt anh, tụi tôi cố gắng hết sức, nhưng nhập dữ liệu thì mạng rớt. Kêu được bà con bỏ một buổi đi rẫy tới làm, đâu phải dễ. Rồi họ làm mấy giấy tờ, hỏi chi cũng không nhớ. Họ chờ lâu quá, bèn nói “mình về đây”!
Lần sau xuống tận nhà để vận động làm, họ nói rứa hôm nay tiền công chặt keo, ai trả? Làm xong, bày họ khai báo đăng nhập, nói đó, quay qua lại quên. Thậm chí họ nói “có liên quan chi mình đâu, đất rẫy mình nói miết có ai làm sổ đỏ cho đâu; nếu có mình đi vay ngân hàng mua xe máy cho con đi học chứ. Mà ông hàng xóm mình có sổ đỏ, tới ngân hàng vay, họ hỏi định danh chi đó, không được phải về, có như không thôi”…
Tính hiệu quả của số hóa vẫn còn mơ hồ, cái chính là thiếu sự chuẩn bị của toàn xã hội để tiếp nhận. Sự chuẩn bị, đó chính là hạ tầng và nhân lực, dân trí đi kèm sự cần thiết mang tính bắt buộc khi công dân, tổ chức phải tương tác khi có nhu cầu. Chúng ta đang làm theo phong trào.
Ở các vùng sâu, vùng xa, sóng điện thoại chưa phủ hết; thậm chí ở đồng bằng, người dân trừ khi liên quan đến vay vốn làm ăn hay chứng thực giấy tờ, thì họ mới cần đến công quyền. Đâu phải ai cũng có điện thoại thông minh lẫn khả năng sử dụng và ghi nhớ chức năng. Đừng nói chi dân, cả cán bộ cũng không ít người... ấm ớ.
Tại một phiên chợ giới thiệu sản phẩm OCOP vùng cao là heo đen, tôi hỏi là có đưa lên sàn thương mại điện tử không, họ nói không. “Ủa, mô hình này được một tổ chức phi chính phủ tài trợ mà?”.
Người bán trả lời: “Nói thiệt anh, họ hết hạn tài trợ, bàn giao công nghệ lại nhưng tụi tôi không biết vận hành, nên chừ chỉ bán qua mạng xã hội”. Nói đâu xa, dữ liệu công dân cho khai báo giấy phép lái xe thay cho giấy tờ, nhưng CSGT vẫn nói dữ liệu quốc gia chưa đồng bộ, nên phải dùng giấy!
Số hóa là chủ trương lớn, nhưng cần cái nhìn nghiêm túc cả cấp trên lẫn cơ sở, cả lãnh đạo lẫn nhân viên, không thể chạy theo thành tích. Chừng nào quản lý, quản trị nhân lực đến người thực hiện và hưởng lợi được số hóa trong quan điểm, nhận thức và trình độ, phải và chỉ nói thật như máy, thì may ra lúc đó mới nói chuyện 4.0.