Khám phá sản vật của quần đảo Hoàng Sa qua không gian trưng bày Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng)
(QNO) - Quần đảo Hoàng Sa không chỉ có vị trí chiến lược địa - quân sự quan trọng, mà còn là vùng biển dồi dào tiềm năng về sản vật và khoáng sản. Đây là một trong những ngư trường truyền thống rộng lớn của ngư dân Việt Nam, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống an sinh xã hội cư dân nhiều tỉnh, thành duyên hải.
Quần đảo Hoàng Sa gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm, với 2 nhóm đảo chính: nhóm Lưỡi Liềm ở phía Tây Nam, nhóm An Vĩnh ở phía Đông Bắc.
Nhóm đảo Lưỡi Liềm có hình cánh cung hay lưỡi liềm, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.
Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây.
Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho biết sự đa dạng và phong phú về sản vật trên quần đảo Hoàng Sa: “Có vô số yến sào, có hàng vạn thứ chim, có các loại ốc vừa để ăn, vừa lấy vỏ có thể nung thành vôi làm nhà hay khảm đồ dùng, lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là trắng bông, giống đồi mồi mà nhỏ, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm, tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bên bãi” [1].
Nhân chứng dưới thời Việt Nam Cộng hòa cho biết: “Tôi đã nhìn thấy những con cá đuối to gấp bốn lần chiếc chiếu, màu trắng lấp ló dưới đáy nước trông như một tấm thảm biết bay vậy…”, “Con ốc tai tượng lớn nhất mà tôi đã thấy, có kích thước lớn bằng cái bàn. Cá ở trong vòng đai đó nhiều vô kể”[2]. Hay “Có những ốc tai tượng to bằng cái bàn, nặng cả 700 ký” [3].
Ông Nguyễn Văn Đức - nhận sự vụ lệnh ra đảo Hoàng Sa năm 1969 nhớ lại: “...Những kỷ niệm vui thú nhất của tôi là những giờ rảnh rỗi chúng tôi đi câu cá và bắt cá. Vì là đảo san hô nên nguồn hải sản tại nơi đây rất phong phú. [...] Trên đảo mỗi hộc san hô cá mú biển sống rất nhiều. Mỗi ngày một người câu được ít nhất 50 con cá mú biển. Chúng tôi ăn không hết phơi khô để dành mang về đất liền. Buổi tối chúng tôi đi câu cá nhám, và ít nhất cũng được 20 con mỗi tối. Tha hồ nấu cháo cá nhám.
Thú nhất là mỗi tháng có hai đợt nước rút vào đầu và giữa tháng âm. Nước rút xa đảo khoảng 300 mét lúc đó đủ loại hải sản không rút ra kịp mắc kẹt vào những rạng san hô nằm chờ nước lên. Chúng tôi đã thấy đủ mọi loại cá. Từ cá heo, cá mập đến những con mực nan khổng lồ. Nhưng nhiều nhất có lẽ là mực, cá chình và ốc gân. Lúc đó, chúng tôi tha hồ bắt mang về”[4].
Với nguồn hải sản dồi dào, phong phú, việc đánh bắt trên quần đảo Hoàng Sa diễn ra liên tục, thường xuyên.
Theo Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán chúa Nguyễn “hằng năm, sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư tấp vào” [5].
Chính trữ lượng cá và các nguồn lợi thu được, nên ngư dân Việt Nam tuy số thuyền bị bão đánh đắm “hằng năm lên tới trên một phần mười” nhưng họ vẫn “có thể bù đắp lại những sự mất mát, mà còn có lãi rất lớn" [6].
Trước đây, rùa biển là một trong những sản vật được đánh bắt nhiều ở quần đảo Hoàng Sa và có giá trị cao về kinh tế. Chúa Nguyễn đặt các hải đội ra Hoàng Sa để lượm bắt về kinh đô dâng nộp. Tờ đơn xin tái lập đội Hoàng Sa thời Tây Sơn ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết các hải đội ra Hoàng Sa “hàng năm thường nạp thuế bằng 10 thạch đồi mồi, hải ba, năm lượng quế hương”.
Đến thời nhà Nguyễn, việc đánh bắt rùa biển vẫn còn, theo Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), trong sản phẩm dâng trình của viên chức đi Hoàng Sa, ngoài các tấm bản đồ, súng bọc đồng còn có nhiều san hô đỏ, các loại chim và rùa biển.
Trên quần đảo Hoàng Sa có nhiều loại chim biển. Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đoạn viết “...Ở bên các hòn đảo có vô số tổ yến chim chóc nhiều đến ngàn vạn con, thấy người đến thì chúng vây kín chung quanh chẳng hề né tránh…”.
Theo hồi ký của các nhân chứng đã từng sinh sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa cũng cho biết trên đảo có nhiều chim. Ông Nguyễn Văn Cúc ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa và xây dựng trên đảo ghi chép: “Trên đảo vô số chim và con vích đẻ trứng, đặc biệt chúng không sợ sự xuất hiện của chúng tôi. Cảnh tượng hoang sơ với những hóc đá và nhiều chim biển chúng tôi cảm thấy thích thú”[7].
Thời Pháp thuộc, qua các cuộc khảo sát địa chất và tìm vị trí phù hợp lắp đặt cơ sở vật chất kĩ thuật, các nhà nghiên cứu đã chụp được một số hình ảnh về các loài chim và sinh vật biển nơi đây. Trong đó có chim vành khuyên (Zosterop simplex swinh) là một loài chim thuộc họ vành khuyên (Zosterops), thuộc loại chim di cư ra đảo, thường sống thành nhóm nhỏ trên các nhánh cây hoặc bụi cây. Chúng có bộ lông đồng màu xanh hoặc vàng, mỏ ngắn và quanh mắt có vòng lông trắng, đuôi cụt và chân yếu nhưng làm tổ khá chắc chắn từ những cọng cỏ và rễ cây đan vào nhau trên các cành cây nhỏ.
Bên cạnh đó có 7 loài khác gồm: họ mòng biển (Larides); chim nhàn nâu (Sterna fuscata infuscata licht); chim nhàn mào (Sterne bergii cristata steph); chim nhàn Sumatra (Sterna s.sumatrana raffles); chim nhàn trắng (Anou stolidus plileatus Scop); họ chim điên (Steganopodes); chim điên chân đỏ (Sula sula rubripes); họ cốc biển (Fregatiens).[8]
Chim tạo ra cho Hoàng Sa một kho phốt phát (phosphate)khổng lồ, do phân chim tích tụ, tác dụng với san hô cho một loại phốt phát rất có giá trị. Trước đây, chính quyền Pháp tại Đông dương đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu tại quần đảo Hoàng Sa và phát hiện mỏ phosphat được hình thành từ phân chim.
Theo báo cáo năm 1927-1928 của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương nhận định: Nguồn gốc đất trên đảo ban đầu được cấu tạo bởi carbonat canxi, chất đất rất nghèo và rất đặc biệt đó đã hình thành những khu rừng bao phủ lên các đảo. Những khu rừng này phát triển được là nhờ những hạt từ miền xa trôi đến và phân chim biển trú đêm trên các đảo thải ra đất. Phân chim biển đã cung cấp cho đất axit phosphoric nhờ trong thức ăn của chúng chủ yếu là cá và các loại hải sản. Khí hậu ở Hoàng Sa ẩm ướt, mưa nhiều nên axit phosphoric bị hòa tan và các phosphat khi được giải phóng ra thấm vào đất gặp carbonat canxi sẽ chuyển thành phosphat canxi không hòa tan và giải phóng khí cacbonic.
Như vậy, sự chuyển hóa đó phát triển từ trên mặt đất xung dưới sâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mỏ phosphat ở Hoàng Sa có tỉ lệ phosphat hòa tan khá lớn. Đây là loại phân bón có chất lượng, hỗ trợ lớn về mặt nông nghiệp.
Để thuận lợi cho sự phát triển các sản vật, đồng thời đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền qua lại, việc trồng cây được thực hiện trên quần đảo Hoàng Sa.
Ghi chép trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, tập bản đồ do Đỗ Bá soạn vẽ theo lệnh của chúa Trịnh vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) triều vua Lê Hy Tông (1676 - 1705) cho biết: “Khi có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt về đây, khi gió Đông Bắc thuyền đi phía ngoài cũng vỡ trôi dạt về đây và đều chết đói hết cả, hàng hóa đều bỏ lại ở đó”. Vì thế, vua Minh Mạng hạ lệnh cho thủy quân, đội Hoàng Sa trồng cây trên đảo để dễ nhận biết, tránh nạn.
Theo Đại Nam thực lục chính biên (đệ nhị kỷ, quyển 104, tờ 18b-19a), năm Minh Mạng thứ 14 (1833), chép: Vua bảo bộ Công rằng: một dải xứ Hoàng Sa thuộc hải phận Quảng Ngãi xa trông trời nước muôn màu, không nhận biết được sâu nông, gần đây thuyền buôn thường gặp nạn. Nay nên chuẩn bị tàu thuyền đến năm sau ra xây miếu lập bia ở đó, lại cho trồng nhiều cây, sau này cây cối rậm rạp, người ta dễ nhận biết, may ra tránh khỏi mắc cạn. Đó cũng là việc lợi để lại cho muôn đời.
Các sản vật ở Hoàng Sa đóp góp vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, tổ chức hoạt động sản xuất trên biển.
Theo số liệu của Bộ Cải cách điền địa và phát triển nông - ngư - mục (Việt Nam cộng hòa), năm 1971 trị giá đánh bắt ngư sản của toàn miền là 600.000 tấn, trị giá 60 tỷ bạc, dự kiến năm 1975 là 900.000 tấn, trị giá hơn 100 tỷ bạc[9] (số liệu này bao gồm hải sản đánh bắt ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa).
Ngày nay, khi đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc khai thác sản vật dễ dàng và hiệu quả hơn, sản lượng và chất lượng sản vật được nâng cao nhờ những chính sách của nhà nước như hỗ trợ thiết bị đánh bắt, đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu cá; tuyên truyền về kiến thức đánh bắt; sử dụng công nghệ thông tin để kết nối, giám sát ngư dân; nắm bắt tình hình tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển; thực hiện chiến lược vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Sản vật ở vùng biển Hoàng Sa rất dồi dào, phong phú, vì thế qua các thời kỳ lịch sử, nhà nước Việt Nam luôn chú trọng và đưa ra nhiều kế sách để đánh bắt và đảm bảo cân bằng sinh thái trên biển. Việc đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa không chỉ mang lại giá trị kinh tế, ổn định đời sống an sinh xã hội, môi trường sinh thái, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
Không gian trưng bày “Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên trên quần đảo Hoàng Sa” tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa góp phần giúp công chúng hiểu hơn về sản vật trên quần đảo Hoàng Sa, đồng thời thấy được tiềm năng tài nguyên của vùng biển, đảo Việt Nam. Từ đó tuyên truyền, giáo dục cho công chúng về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
-------------
Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Quý Đôn toàn tập (1977), Tập II, Phủ biên tạp lục, Bản dịch Viện Sử học
Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội.
[2] Tạp chí Lướt Sóng, của Hải quân VNCH, chuyên đề về quần đảo Hoàng Sa số ra tháng Tám năm 1971, tr 4 – 88.
[3] Tập san Sử Địa, số 29 (1974), Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa. (Nhà sách Khai trí bảo trợ). Sài Gòn.
[4] Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa (2017), Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.143-144.
[5] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, bản dịch, Đại học Huế.
[6] Văn Trọng (1979), Hoàng Sa - Quần đảo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
[7] Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa (2017), Kỷ yếu Hoàng Sa, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.131-132.
[8] Nguồn: Bảo tàng Hải dương học Nha Trang.
[9] Tờ trình số 10179-CCĐĐNNM/HCTC.3 của Bộ Cải Cách Điền Địa và Phát triển Nông-Ngư-Mục (Việt Nam Cộng hòa) trình Thủ tướng Chánh phủ về việc xin ban hành Sắc luật ấn định lại lãnh hải Việt Nam Cộng hòa về phương diện ngư nghiệp. Tài liệu số hóa Nhà trưng bày Hoàng Sa.