Cửa ngõ đón khách quốc tế

HÀ SẤU 11/11/2023 08:29

(VHQN) - Là cửa ngõ đón hơn 80% khách quốc tế đến nước ta, hàng không đang là con đường nhanh và hiệu quả nhất để mở rộng khai thác toàn diện thị trường khách quốc tế.

Mở rộng mạng lưới các đường bay trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, tăng tần suất chuyến bay đến các thị trường trọng điểm là một trong những biện pháp thu hút khách quốc tế hiệu quả và bền vững nhất. Ảnh: H.S
Mở rộng mạng lưới các đường bay trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, tăng tần suất chuyến bay đến các thị trường trọng điểm là một trong những biện pháp thu hút khách quốc tế hiệu quả và bền vững nhất. Ảnh: H.S

“Cặp đôi” hoàn hảo

Tại một hội thảo hợp tác giữa hàng không với du lịch diễn ra tại TP.Đà Nẵng, có đại biểu đã ví von hàng không với du lịch là hai cánh của máy bay và là “cặp đôi” hoàn hảo bổ trợ cả hai ngành cùng phát triển.

Số liệu thống kê cho thấy, ở giai đoạn ngành du lịch bước vào chặng tăng trưởng mạnh mẽ (khoảng từ 2015 - 2019), lượng khách quốc tế qua sân bay Đà Nẵng cũng tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể từ 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến sân bay Đà Nẵng đã tăng lên đến 7,1 triệu lượt vào năm 2019. Từ chỗ lượng hành khách quốc tế chỉ bằng 25 - 30% so với hành khách nội địa vào giai đoạn 2014 - 2015, đến năm 2019 lượng khách quốc tế qua sân bay Đà Nẵng đã vươn lên xấp xỉ (bằng hơn 90%) lượng khách nội địa.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietnam Travel Mart, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: “Mở rộng mạng lưới đường bay trực tiếp đến thị trường tiềm năng, tăng tần suất chuyến bay đến các thị trường trọng điểm rõ ràng là một trong những biện pháp thu hút khách quốc tế hiệu quả và bền vững nhất”.

Lượng khách quốc tế qua đường hàng không tăng mạnh trong khoảng 5 năm trước khi xảy ra dịch COVID-19 giúp du lịch Đà Nẵng có bước phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế chính của thành phố. Các điểm du lịch chính của Quảng Nam như Hội An hay Mỹ Sơn nằm trong bán kính 40km từ sân bay Đà Nẵng cũng hưởng lợi rất nhiều.

Khách quốc tế tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: H.S
Khách quốc tế tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: H.S

Thực tế lượng khách quốc tế của 2 di sản này đã tăng vọt trong giai đoạn 2015 - 2019. Lượng khách gia tăng ở Hội An và Mỹ Sơn chủ yếu đến từ các thị trường mới nổi lúc đó như Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Không khó nhận ra đây đều là các khu vực trọng tâm kết nối chuyến bay đến sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Từ đòn bẩy khai mở của hàng không, đến nay, một số thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đã lọt vào tốp 10 thị trường khách lớn nhất của Quảng Nam, trong đó Hàn Quốc trở thành thị trường khách lớn nhất suốt hơn 5 năm qua. 

Nhận diện hàng không là cửa ngõ của khách quốc tế vào Việt Nam, thời gian qua cơ quan quản lý du lịch địa phương đã tích cực lắp panô, trình chiếu tư liệu về hình ảnh các điểm đến Quảng Nam tại các sân bay quốc tế trọng điểm trên toàn quốc hay biểu diễn trực tiếp các loại hình nghệ thuật cổ truyền tại sân bay Đà Nẵng. 

Hành động đón đầu cơ hội

Hậu COVID-19, các cảng hàng không quốc tế ở nước ta đang “chạy đua” trong việc nối lại các tuyến bay quốc tế để phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch. Tại sân bay Đà Nẵng, nếu ở thời điểm trước năm 2019 có 39 đường bay quốc tế thì hiện nay cảng hàng không này đã và đang liên tục xúc tiến để mở thêm các tuyến bay mới đến thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông…

Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu thế giới về lượng tìm kiếm của khách quốc tế trong suốt năm 2023. Trong đó, Hội An và Đà Nẵng luôn nằm trong tốp 10 địa điểm tìm kiếm của du khách. Do đó, xúc tiến lĩnh vực hàng không càng là vấn đề bức thiết. 

Có thể thấy các địa phương ở khu vực miền Trung đang đặt nhiều quyết tâm cũng như hành động trong việc thúc đẩy lĩnh vực hàng không nhằm đón đầu du lịch. Tháng 6/2023, Thừa Thiên Huế đưa vào hoạt động nhà ga T2 và sau đó đã khai trương thêm các đường bay thẳng đến Huế. Dự thảo quy hoạch TP.Đà Nẵng cũng đề xuất dành hàng chục nghìn tỷ đồng để nâng cấp sân bay Đà Nẵng. 

Thực tế, Chu Lai đã được quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế với quy mô 4F. Trong danh mục nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phục hồi, tăng tốc du lịch Quảng Nam nhằm thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã giao Sở GTVT chủ trì đề xuất giải pháp thúc đẩy đầu tư, mở các đường bay quốc tế đến Quảng Nam trong giai đoạn tới.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, câu chuyện này đã bàn nhiều lần, để cải thiện năng lực tự chủ đón khách cũng như thúc đẩy du lịch phía nam và cả dải ven biển vùng đông thì Quảng Nam phải sớm đưa sân bay Chu Lai trở thành sân bay quốc tế. Cần tranh thủ cơ hội để xúc tiến, làm ngay khi đã có định hướng từ các cấp thẩm quyền.

HÀ SẤU